Sáng 15/4, CEO của Apple - Tim Cook đã bất ngờ có mặt tại Việt Nam. CEO nổi tiếng làng công nghệ dự kiến sẽ có chuyến công tác Việt Nam trong vòng 2 ngày. Được biết, trong chuyến đi này, Tim Cook sẽ gặp gỡ các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung trẻ và làm việc với các lập trình viên Việt Nam.
Chuyến thăm của ông không chỉ là dấu hiệu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam mà còn thể hiện cam kết lâu dài của Apple với thị trường đầy tiềm năng này.
Tim Cook đi phi cơ riêng tới Việt Nam
Như mọi khi, CEO đế chế công nghệ lớn nhất hành tinh đã bay đến Việt Nam trên chiếc phi cơ riêng của mình. Đây là phương tiện di chuyển quen thuộc của Tim Cook. Thế nhưng ít ai biết đó không phải thói quen do sở thích hưởng thụ của ông. Việc Tim Cook, hay thậm chí các CEO trước của Apple phải di chuyển bằng phương tiện sang chảnh này là do luật của công ty.
Máy bay riêng vốn là tiêu chuẩn trong giới thượng lưu siêu giàu. Nhưng có những trường hợp như Tim Cook thì chi phí đi lại này hoàn toàn do công ty chi trả. Ông được yêu cầu phải đi máy bay riêng, không di chuyển bằng máy bay thương mại.
Đây không chỉ là luật bất thành văn mà đã đi vào chính sách công ty. Trong tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ năm 2018, Apple cho biết họ đưa ra chính sách quy định Giám đốc điều hành hiện tại của họ, Tim Cook, phải di chuyển bằng máy bay riêng cho tất cả các chuyến bay công tác và cá nhân của ông “vì lợi ích an ninh và hiệu quả”.
Theo báo cáo, năm 2017, Apple đã chi gần 100.000 USD (khoảng 2,5 tỷ đồng) để thuê chuyên cơ riêng cho CEO. Công ty cũng tốn thêm 224.000 USD (khoảng 5,6 tỷ đồng) chi phí an ninh để bảo vệ Tim Cook.
Đồng thời, công ty cũng cho phép các giám đốc điều hành đi du lịch cùng đối tác hoặc thành viên gia đình của họ bằng phi cơ Apple thuê. Tất nhiên phần chi phí này các CEO sẽ tự chi trả.
Vì sao các CEO phải đi máy bay riêng?
Việc “bao” máy bay riêng cho các giám đốc điều hành đã là một truyền thống của Apple. Người tiền nhiệm của Tim Cook, Steve Jobs, cũng có niềm vui tương tự.
Ngay sau khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 2000, công ty đã thưởng cho ông một phi cơ Turbo-Jet 22 chỗ có tên N2N. Phần trang trí cabin của N2N được thiết kế bởi Phó chủ tịch thiết kế Jony Ive của chính Apple. Sau khi Jobs qua đời, Jony đã mua lại chiếc máy bay này với giá ưu đãi từ vợ của Steve Jobs, Laurene Powell.
Trang bị cho các giám đốc điều hành máy bay riêng không phải là lợi ích độc quyền của Apple. Nhiều công ty lớn cũng có cách làm tương tự, với lý do chủ yếu là bảo vệ an ninh cho các nhân vật quyền lực này.
Tờ Financial Times ở Anh đã có một thống kê vào năm 2016 liệt kê top 10 giám đốc điều hành chi nhiều tiền nhất cho máy bay tư nhân. Xếp số 1 là Barry Diller, chủ tịch của trang du lịch trực tuyến Expedia. Facebook cũng phải chi hàng trăm ngàn USD mỗi năm cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.
Đối với những tỷ phú khác như Bill Gates hay Jeff Bezos, máy bay riêng của họ không yêu cầu công ty cung cấp mà là tài sản cá nhân. Ví dụ như Bill Gates sở hữu một số máy bay phản lực tư nhân, bao gồm một chiếc Boeing 757, một chiếc Challenger 604, một chiếc Bombardier BD-700 Universal Express và có nhiều nguồn tin cho biết bộ sưu tập máy bay của ông còn có một chiếc Airbus A380.
Theo Thu Lê (Nhịp Sống Thị Trường)