Chiếc lều chống nghe lén của tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài

11/11/2017 18:54:04

Chiếc lều là không gian bảo mật tổng thống Mỹ dùng để đọc tài liệu hoặc bàn bạc các vấn đề nhạy cảm.

Khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài, nhân viên của ông đóng gói những quyển sách, những món quà cho các nhà lãnh đạo nước ngoài và một vật đặc biệt: một cái lều.

Chiếc lều chống nghe lén của tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại APEC ngày 10/11. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ngay cả khi tổng thống Mỹ thăm các quốc gia đồng minh, các phụ tá cũng nhanh chóng thiết lập lều an ninh có bề mặt mờ đục tại một căn phòng gần phòng khách sạn của ông. Khi tổng thống cần đọc một tài liệu mật hoặc có một cuộc trò chuyện nhạy cảm, ông vào lều để tránh các camera bí mật và các thiết bị nghe lén.

Một bức ảnh của Nhà Trắng cho thấy, trong một chuyến đi Nam Mỹ năm 2011, cựu tổng thống Obama đã họp trong lều bảo mật tại một phòng khách sạn ở Rio de Janeiro với ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng vào thời điểm đó là Hillary Clinton và Robert M. Gates, về hoạt động quân sự tại Libya. Một tấm ảnh khác, chụp ba ngày sau đó ở San Salvador, cho thấy ông Obama ngồi trong lều bàn bạc với các cố vấn về cuộc tấn công.

Theo BBC, chiếc lều còn được gọi là Cơ sở Bảo mật Thông tin Nhạy cảm (SCIF), được làm bằng chất liệu bí mật, có thể thiết lập cố định trong văn phòng hoặc được các lãnh đạo mang theo khi di chuyển.

"Khi một tổng thống di chuyển tại Mỹ hoặc đi nước ngoài, điều mà đội ngũ nhân viên làm trước chuyến thăm là xác định vị trí phù hợp để dựng lều", Mark Pfeifle, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết. Vị trí được xác định một cách cẩn thận, tính toán đến các yếu tố như cửa sổ, số lượng người qua lại.

Một khi đã xác định được nơi dựng lều, vấn đề tiếp theo là đảm bảo nó là hoàn toàn được bảo mật. "Chúng tôi phải đảm bảo rằng không có bất kỳ tín hiệu nào phát ra, có thể là từ máy tính xách tay, radio hay điện thoại", Phil Lago, một trong những người sáng lập công ty Command Consulting Group (CSG), chuyên cung cấp lều cho cơ quan an ninh Mỹ, giải thích.

Ông cho biết có một vòng sóng điện tử giúp ngăn chặn các tín hiệu phát ra và thâm nhập vào trong lều. Tín hiệu duy nhất có thể phát ra ngoài là thông tin liên lạc đã được mã hóa, được chuyển qua một đường dây điện thoại cũng được mã hóa và truyền cuộc trò chuyện qua vệ tinh. Không vật gì trong SCIF có thể được điều khiển từ xa, bởi vì đó là tần số có thể bị can thiệp.

Chiếc lều chống nghe lén của tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài - 1
Ông Obama bàn bạc về tình hình Lybia trong lều an ninh được dựng tại Brazil năm 2011. Ảnh: White House.

SCIF không chỉ hoàn toàn cách âm mà còn có hệ thống chống đột nhập. Chiếc lều không có cửa sổ. Chỉ những người có thẩm quyền mới được vào SCIF. Để vào lều, quan chức cần có số pin, phù hiệu và dữ liệu sinh trắc học phù hợp.

Khu vực xung quanh lều có thể có lính gác canh giữ, và cũng có người giám sát xem liệu có dữ liệu nào thoát ra ngoài không. "Có tuyến phòng thủ cho tất cả mọi thứ", ông Lago nói.

Mang theo SCIF là một phần quan trọng trong bất kỳ chuyến đi nào của tổng thống Mỹ. Ông Lago cho biết chúng ngày càng dễ vận chuyển hơn.

Ngoài ra, SCIF có thể có một loạt thiết bị chuyên dụng khác như hàng rào thông báo khi có người chạm vào hay các thiết bị báo hiệu ai đó vừa nhận được e-mail, theo Michael Creasey, đối tác của CSG.

Không rõ chính xác thời điểm các quan chức Mỹ bắt đầu sử dụng lều bảo mật khi đi nước ngoài. George J. Tenet, giám đốc C.I.A. năm 1997 - 2004, được cho là một trong những quan chức đầu tiên sử dụng thường xuyên.

"Tổng thống Clinton và Nhà Trắng đã sử dụng ông Tenet như một sứ giả ở Trung Đông. Ông ấy cần một nơi thật an toàn để đọc tài liệu và bàn bạc tại Israel", một cựu quan chức cho biết.

CIA yêu cầu ông Tenet phải sử dụng lều ở Israel vì nước này có một số phần mềm gián điệp tinh vi nhất. "Chúng tôi đặc biệt đề phòng khi chủ nhà Israel muốn dành riêng các phòng khách sạn tại King David cho chúng tôi", các quan chức cho biết, đề cập đến một khách sạn nổi tiếng ở Jerusalem.

Theo NYTimes, nhiều biện pháp đề phòng an ninh khi đi nước ngoài chỉ được áp dụng cho các quan chức cấp cao nhất, vì chúng tốn kém và cồng kềnh. Thay vì lều, các quan chức chức cấp thấp hơn có thể sử dụng các cấu trúc nhỏ hơn trông giống như buồng điện thoại.

Các biện pháp bảo mật cũng được thực hiện ngay trên đất Mỹ. Khi các bộ trưởng và quan chức an ninh quốc gia hàng đầu nhậm chức, chính phủ sẽ thiết lập phòng bảo mật đặc biệt tại nhà họ, để họ sử dụng khi dùng máy tính hoặc bàn luận các vấn đề tối mật.

Các nhà ngoại giao cho biết họ phải luôn ghi nhớ thực tế rằng không có tin nhắn điện tử nào thực sự riêng tư nữa.

"Chúng tôi luôn tâm niệm rằng bất cứ điều gì chúng tôi làm trên điện thoại có thể đang bị đọc bởi một người hoặc rất nhiều người", một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật