Cứ tưởng phi tần nhà Thanh phải "sang chảnh" từ trên xuống dưới, vật dụng nào cũng cầu kỳ và đắt đỏ. Nhưng không, đôi khi họ... rất thực tế.
Bộ phim cung đấu "hot" nhất mùa hè - Diên Hi Công Lược có tạo hình quá đẹp, trang phục lại khá chỉn chu so với sách sử. Và trên thực tế, phi tần nhà Thanh cũng có cuộc sống xa hoa, phủ trong nhung lụa.
Họ dùng những chiếc quạt với kĩ thuật thêu đỉnh cao, 1cm thêu tay "hét giá" tới 3 chỉ vàng. Hay nhẫn móng tay làm từ vàng, bạc, đá quý với hoa văn chạm khắc tinh xảo.
Điều đó khiến ta nghĩ rằng, chiếc khăn tay cũng được chế tác đầy kỳ công ư? Đó là vật mà tất thảy phi tần mỹ nữ đều quyến luyến không rời?
Sự thật đã chứng minh điều ngược lại! Theo trang tin Kknews, khăn tay đối với phi tần nhà Thanh chẳng mấy quan trọng.
Đôi khi, nó được thêu hoa lá cho đồng nhất với họa tiết trên áo và giày móng ngựa. Nhưng hầu hết chiếc khăn tay chỉ là một tấm vải trơn, màu sắc đơn giản.
Mục đích sử dụng khăn tay cũng tương tự như... khăn giấy của chúng ta ngày nay. Tức là nhằm để chùi môi, lau mồ hôi, nước mắt, nước mũi hay cầm nắm thứ gì mà không tiện dùng tay.
Một số người thì dùng khăn để che miệng, tránh tình trạng "kém duyên" khi nói cười, đùa giỡn.
Quy tắc hành lễ thời nhà Thanh cũng không yêu cầu phi tần phải cầm chiếc khăn tay - điều mà chúng ta thường thấy trên phim.
Thay vào đó, lễ nghi chào hỏi như sau: chụm các ngón tay lại, đưa lên tầm ngang trán và gật đầu nhẹ, ánh mắt tiếp xúc với nhau. Vậy là xong!
Thậm chí chẳng cần khuỵu gối vì rất dễ mất thăng bằng, bạn biết đó, phi tần nhà Thanh đều phải mang giày móng ngựa cao chót vót cơ mà. Cũng vì kiểu giày này nên mỗi lần di chuyển, các phi tần phải đánh tay thật nhiều và nhịp nhàng để giữ thăng bằng.
Có lẽ khi lên phim, những cử chỉ chào hỏi hay đi "catwalk" với đôi tay bình thường thì... hơi "thô", nên các nhà làm phim mới nghĩ ra cách cho phi tần mang thêm chiếc khăn? Mục đích không gì khác ngoài gia tăng nét yểu điệu thục nữ, duyên dáng tuyệt vời.
Trên thực tế, ngay cả Từ Hy Thái hậu - người nổi tiếng xa hoa cũng không hề chú trọng chiếc khăn tay. Ở một số tranh ảnh, Từ Hy có mang khăn tay nhưng chỉ cầm bình thường, không thể hiện sự nâng niu gì.
Còn với những tranh ảnh mà bà muốn thể hiện sự sang trọng, Từ Hy thường phơi bày bộ nhẫn móng tay sắc nhọn hay những chiếc quạt tròn, quạt giấy đặt nhẹ nhàng giữa 2 tay.
Nói tóm lại, phi tần nhà Thanh dù cao cao tại thượng nhưng cũng có những nhu cầu rất bình thường. Với chiếc khăn tay, họ dùng với nó chức năng cơ bản chứ không do hình thức đẹp hay hàm ý đặc biệt nào.
Dù vậy, khi lên phim thì mọi thứ đã được nâng tầm, trở nên lộng lẫy hơn hẳn. Đúng là chúng ta mê phim nhưng phải luôn tỉnh táo, "tin thôi đừng tin quá".
Theo Đạt Lê (Helino)