Chia tay huyền thoại bầu trời: "Chim cắt số 2" kể về "cánh én bạc"

19/11/2015 09:25:17

Có người đã nói rằng, nhắc đến máy bay tiêm kích MiG-21 thì phải nhắc đến Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, và ngược lại.

Có người đã nói rằng, nhắc đến máy bay tiêm kích MiG-21 thì phải nhắc đến Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, và ngược lại.

Chiếc máy bay huyền thoại MiG-21PF 4326 gắn liền với tướng Cốc

Quân sự Việt Nam và thế giới từng đánh giá, Tướng Cốc là người thành công nhất với MiG-21 trong suốt cuộc hành trình của loại máy bay này.

Bảo kiếm chọn anh hùng

Tại Bảo tàng Phòng không, sân bay Bạch Mai (Hà Nội), chiếc máy bay MiG-21PF 4326, một huyền thoại của bầu trời Bắc Việt những năm chống Mỹ hiện đang nằm lặng lẽ ở khu trưng bày.

Mười ba ngôi sao đỏ gắn ở phần đầu máy bay là biểu tượng thể hiện đã có 13 kẻ thù, những chiếc máy bay địch bị chiếc MiG này bắn hạ.

Những thông tin về một trong những chiếc MiG nổi tiếng nhất toàn cầu dù được ghi chú khá ngắn gọn nhưng vẫn có thể chuyển tải trọn chiến công của nó trên bầu trời Việt Nam:

"MiG-21PF 4326 từng thuộc Trung đoàn 921 Sao Đỏ, do nhiều phi công luân phiên sử dụng bắn rơi 13 máy bay đối phương. 6 phi công xuất kích cùng chiếc MiG-21 này được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Riêng phi công Nguyễn Văn Cốc đã điều khiển chiếc máy bay này bắn rơi 9 chiếc máy bay của Mỹ, lập nên hàng loạt kỷ lục, tiếng vang vọng khắp năm châu.

Với những đóng góp vô cùng to lớn trong cuộc hành trình 50 năm ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định công nhận MiG-21PF 4326 là Bảo vật quốc gia”.

Cách Bảo tàng không xa, độ vài ba cây số, trong một căn phòng nhỏ trên phố Thái Hà, người phi công được đánh giá thành công nhất trên thế giới với máy bay MiG-21, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc đang cố gắng vận động từng ngón tay một để chống chọi với căn bệnh liệt toàn thân.

Từ hơn 10 năm trước, khi còn là Thanh tra của Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc đột nhiên lâm phải căn bệnh quái ác này. Toàn thân tê liệt, duy chỉ có đầu óc thì minh mẫn, không bị ảnh hưởng gì.

Cũng như nhiều bậc anh hùng khác, Tướng Cốc có một tình cảm đặc biệt với máy bay MiG-21. Ánh mắt ông điều hướng, như muốn chỉ cho tôi về phía trang trọng nhất của căn phòng.

Ở đó, hàng loạt mô hình của chiếc máy bay MiG-21PF 4326 huyền thoại, đã đưa anh binh nhất Nguyễn Văn Cốc trở thành Anh hùng, thành huyền thoại của bầu trời Việt Nam.

Bên cạnh là bức ảnh chụp vào ngày 1/1/1969, trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm chặt tay phi công Nguyễn Văn Cốc cười rạng rỡ. Dưới chân là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của không quân Việt Nam: “Bác mong Không quân Việt Nam có thêm nhiều Cốc nữa”.

Năm ấy, Nguyễn Văn Cốc mới có 27 tuổi, là Đại úy Phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 với thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước đó vài năm, không quân thế giới từng rúng động khi chiến tranh Việt Nam xuất hiện một phi công trẻ tuổi lái chiếc MiG-21 trong đội hình chiến đấu đã khai sinh ra chiến thuật tấn công ở vị trí số 2.

Một chiến thuật chưa bao giờ xuất hiện, thậm chí còn chưa một phi công nào trên thế giới dám nghĩ đến.

"Mỗi một chiếc MiG-21 thời điểm đó chỉ có thể mang được có 2 tên lửa. Chiến thuật phổ biến nhất với loại máy bay tiêm kích này là chiến đấu với đội hình biên đội hai máy bay.

Một máy bay có nhiệm vụ tấn công còn một máy bay có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương và thông báo cho vị trí số một công kích. Sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo ở Liên Xô, tôi thường xuyên được phân công vào vị trí số 2 trong biên đội chiến đấu.

Trong lần đầu tiên xuất kích trong biên đội do phi công Nguyễn Ngọc Độ, một Át (Aces) nổi tiếng của không quân Việt Nam làm biên đội trưởng chiến đấu với các máy bay F-105 Thunderchief trên bầu trời Hòa Bình, Sơn La...

Lần ấy, yểm trợ anh Độ tấn công và bắn hạ một chiếc F-105 xong, sau khi vỗ tay hoan hô biên đội trưởng, tôi tự thấy rằng mình vẫn còn cơ hội để tiếp tục tấn công và bắn hạ máy bay địch.

Lập tức xin ý kiến biên đội trưởng và tấn công bắn hạ thêm một chiếc F-105 nữa, sau đó cả hai anh em đều rút về an toàn", Anh hùng Nguyễn Văn Cốc kể.

Sau sự kiện ấy, gần như ngay lập tức các trang tin tổng hợp quân sự trên thế giới đưa cái tên Nguyễn Văn Cốc vào từ khóa tìm kiếm, tổng hợp.

Xin được trích đăng một số thông tin cơ bản mà các trang báo nước ngoài viết về Anh hùng Nguyễn Văn Cốc như sau:

“Trong thời gian từ tháng 4/1967 đến tháng 2/1969, Nguyễn Văn Cốc cùng các phi công trong biên đội đã tham gia nhiều trận chiến đấu trên vùng trời phía Bắc, riêng ông đã bắn rơi được 9 chiếc máy bay Mỹ gồm 5 chiếc F-105, 2 chiếc F-4 và 2 chiếc máy bay trinh sát không người lái...

Ngoài ra, ông còn hỗ trợ đồng đội bắn hạ thêm 9 máy bay nữa. Trong toàn bộ các cuộc không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam, ông có số bắn hạ máy bay cao nhất của cả Việt Nam và Mỹ”.

Cần có sự tôn vinh xứng đáng

Lịch sử không quân Việt đã chứng minh, chiến thuật “Chim cắt số 2” của Nguyễn Văn Cốc giống như một bước ngoặt trong các cuộc không chiến. Có trận chiến, phi đội của ông có thể bắn hạ được 3 máy bay đối phương nhờ áp dụng chiến thuật này.

Cá nhân ông, trong cuộc đời chiến đấu của mình cũng từng bắn hạ 6 chiếc máy bay địch ở vị trí số 2. Thậm chí, chiến thuật này đã được đưa vào huấn luyện cho không quân Việt Nam và khiến cho các phi công Mỹ cũng phải khâm phục.

Hình ảnh Nguyễn Văn Cốc trên chiếc MiG-21PF 4326 trở thành biểu tượng của bầu trời.

Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc

Hẳn là ông hết sức tự hào về điều đó. Nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Cốc cũng tâm sự rằng: “MiG 21 giống như một con ngựa chiến dũng mãnh, chinh phục rất khó, nhưng khi đã chinh phục được rồi thì nó lợi hại vô cùng.

Chúng ta đã may mắn khi có được MiG-21 trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, cho nên cần phải có sự tôn vinh xứng đáng”.

Để minh chứng cho nhận định của mình, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc nói rằng, cần phải nhớ, trước thời điểm MiG-21 xuất hiện trên bầu trời Việt Nam, trong những cuộc không chiến trước đó, máy bay MiG-17 của chúng ta tỏ ra quá lạc hậu so với nhiều loại máy bay được trang bị tối tân từ phía bên kia.

Mặt khác, các phi công Mỹ được huấn luyện kỹ lưỡng, họ điều khiển máy bay và bay chuyên nghiệp, có số giờ bay rất cao, đến hàng nghìn giờ.

Trong khi đó, những phi công tiêm kích Việt Nam có số giờ bay cực ít, thậm chí nhiều người mới chỉ bay lần đầu. Chính vì vậy, sự xuất hiện của MiG-21 với không quân Việt Nam thực sự thay đổi cục diện những trận không chiến.

Thời điểm ấy, các chuyên gia quân sự trên thế giới đã đánh giá rằng, MiG-21 có tính năng kỹ chiến thuật tương đương, một vài tính năng chiến thuật còn tốt hơn cả F-4 và F-8.

Ví dụ như tính cơ động rất cao (trên cả hai mặt phẳng đứng và mặt phẳng ngang ở độ cao lớn và độ cao trung bình), khả năng tăng tốc nhanh ở độ cao trung bình trở lên rất nhanh, tốc độ chiếm độ cao của MiG-21 tốt hơn so với máy bay tiêm kích Mỹ.

Tất nhiên, vẫn còn một số hạn chế như điều kiện phóng tên lửa của MiG-21 đòi hỏi phải ổn định đường bay hơn, góc mở theo dõi và bám mục tiêu thấp… Nhưng những hạn chế ấy đã được bù đắp bởi phi công Việt Nam.
 

Chiếc MiG-21PF 4326 là một huyền thoại gắn liền với Trung tướng Nguyễn Văn Cốc.

Nhưng kỷ lục của Không quân Việt Nam lại thuộc về chiếc MiG-21PF số hiệu 4324, hiện nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội và cũng là một Bảo vật quốc gia.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, “cánh én bạc” này đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, nổ súng tấn công 16 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa đối không, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11/1967 đến tháng 5/1968, được thể hiện bằng 14 ngôi sao đỏ ở phần đầu máy bay.

Có 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này, 9 người từng bắn rơi máy bay đối phương, 8 phi công đạt đẳng cấp Át (bắn rơi từ 5 chiếc trở lên), 7 người được tuyên dương Anh hùng, 5 người trở thành tướng lĩnh.

>> Cẩm nang đối đầu MiG-21 VN dành cho từng loại chiến đấu cơ Mỹ
Theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)

Nổi bật