Để được gặp riêng một người quyền lực như Giáo hoàng Francis, một nhóm người giàu Trung Quốc đã chi tiền ủng hộ quỹ từ thiện của giáo hội. Ảnh: AP |
Theo SCMP, đối với giới nhà giàu Trung Quốc, du lịch Nam Cực, đi nước ngoài xem động vật hoang dã hay mua xe sang không còn là thú vui mới mẻ. Để thỏa mãn lòng hư vinh, họ bắt đầu tìm đến những công ty chuyên cung cấp dịch vụ gặp gỡ người nổi tiếng.
Công ty Lối sống Thượng lưu (QL), thành lập năm 2000 có trụ sở ở London và chi nhánh ở Hong Kong, ngày càng có đông khách hàng Trung Quốc đại lục. Đôi khi, khách có những yêu cầu kỳ lạ, như sắp xếp cho một nhóm người gặp riêng Giáo hoàng Francis ở Vatican trong tháng này.
Vincent Lai, giám đốc điều hành mảng thị trường Trung Quốc của công ty, cho biết họ có mạng lưới quan hệ rộng lớn với những người có địa vị trên thế giới, để giúp thực hiện ước mơ có cuộc gặp để đời của khách hàng. Một trong những người sáng lập công ty là Ben Elliot, cháu trai của nữ công tước xứ Cornwall, vợ thứ hai của Thái tử Charles nước Anh.
"Không phải cứ chi 250.000 đôla Hong Kong (33.000 USD) là có thể được gặp Giáo hoàng. Trong tháng 8 này, ngài đã tham gia một sự kiện lớn ở Italy. Để được gặp riêng Giáo hoàng, chúng tôi đã chi một khoản tiền ủng hộ quỹ từ thiện của giáo hội".
Gặp riêng Giáo hoàng chỉ là một trong số nhiều hoạt động của QL tung ra gần đây, trong dự án hợp tác với một ngân hàng quốc tế để phục vụ khách VIP. Vincent cho biết thay vì trực tiếp đưa tiền để được gặp gỡ với những người giàu có và quyền lực, họ sắp xếp chúng một cách tinh tế hơn.
"Giả dụ có một khách hàng muốn gặp nữ diễn viên Angelababy và chồng, nam diễn viên Huỳnh Hiểu Minh. Hai vợ chồng có một quỹ từ thiện. Chúng tôi sẽ nói với họ rằng, có khách hàng muốn ủng hộ quỹ, và hy vọng hai người sẽ gặp riêng vị khách này để bày tỏ thành ý cảm ơn".
Vợ chồng diễn viên Huỳnh Hiểu Minh là cặp đôi nổi tiếng trong giới giải trí ở Trung Quốc. Ảnh: Sina |
Trong 5 năm hoạt động đầu tiên, thị trường chủ yếu của QL là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, thị trường châu Âu nhanh chóng bị các nước đang phát triển như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc vượt lên.
Mặc dù khách hàng châu Á chi nhiều tiền hơn, nhưng Vincent cho biết, họ lại không bộc trực bằng khách hàng phương Tây.
"Khách hàng phương Tây thường thẳng thắn hơn. Họ sẽ nói rõ cho chúng tôi biết mình muốn gì. Nếu họ yêu cầu chúng tôi chuẩn bị quà, họ sẽ nói đôi chút về người nhận. Chúng tôi sẽ theo đó chuẩn bị quà theo sở thích của người được tặng. Còn khách hàng châu Á lại không nói gì cả", Vincent cho biết.
"Khách Trung Quốc đại lục thường thiếu kiên nhẫn, hay nảy ra ý tưởng bất chợt và mơ hồ. Họ không quan tâm chúng tôi lên kế hoạch thế nào".
"Ví dụ, có một khách hàng gửi tin nhắn qua ứng dụng Weixin cho chúng tôi, nói rằng ông ta muốn đi Italy sau ba ngày nữa, và yêu cầu chúng tôi chuẩn bị các hoạt động thú vị cho ông ta. Một người khác thì bảo rằng ông ta muốn đưa bạn đi đâu đó chơi vui vẻ, nhưng lại không nói rõ mình muốn đi đâu. Họ chỉ yêu cầu chúng tôi hoàn thành công việc", Vincent nói.
Đi nghỉ dưỡng ở những nơi sang trọng không còn là mốt ở Trung Quốc. Ảnh: Corbis |