Chuẩn bị lễ tế nữ thần Durga trong lễ hội thánh Navratri (Deepak Kol đội mũ trắng) |
Trong lễ hội thánh Navratri, Deepak Kol, 28 tuổi đã tự cắt lưỡi mình để dâng lên nữ thần Durga. Kol đã ngất lịm đi ngay sau đó. Nhưng những người tham gia lễ hội đã không hề để ý tới điều bất ổn này. Năm tiếng đồng hồ sau, họ mới phát hiện Kol đã bất tỉnh, nhưng thay vì đưa anh Kol tới bệnh viện, gia đình anh lại cầu nguyện và hát thánh ca để anh có thể “hồi sinh”.
Cha anh Kol, ông Sukhdeo cho biết, “chúng tôi đã cầu nguyện trong nhiều giờ, cho tới 4 giờ sáng với hy vọng nữ thần sẽ chứng giám cho lòng thành của nó và cho con trai tôi hồi sinh, nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Phát ngôn cảnh sát, ông Riaz Sheikh cho biết, người đứng đầu ngôi làng và các nhà chức trách đã báo cáo về cái chết của Kol vào sáng hôm sau, nhưng gia đình Kol từ chối cho cảnh sát khám nghiệm tử thi.
Deepak Kol, 28 tuổi sống tại một ngôi làng hẻo lánh phía bắc Ấn Độ |
Anh Kol đã có gia đình và 2 con, sống tại làng Kharhata, một ngôi làng hẻo lánh miền bắc Ấn Độ. Trước ngày thiệt mạng hôm 21/10, Kol đã nhịn ăn cả ngày để có thể bước vào buổi lễ tế thần Durga, nữ thần biểu tượng của cái thiện thắng cái ác trong đạo Hindu.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Sukhdeo vẫn khẳng định, con ông không chết mà là “nữ thần đã cho nó đi theo để hầu hạ”, ông nói.
Cái chết khủng khiếp của Deepak là trường hợp mới nhất trong số những cái chết đáng lo ngại của những người phải bỏ mạng vì hiến tế cho nữ thần tại Ấn Độ.
Trước đó, Rajkumar Vishwakarma, 32 tuổi, đã bị trọng thương khi anh cắt đầu lưỡi của mình để tế thần tại một ngôi đền ở làng Chourhai Satna, Madya Pradesh. Rajkumar qua đời tại bệnh viện vài giờ sau đó.
Vào năm 2008, Ghanshyam Kori, 45 tuổi, cũng bị chết chỉ sau vài giờ khi cắt lưỡi bằng một lưỡi dao cạo để tế thần ở huyện Satna. Ông này đã từ chối tất cả những can thiệp y tế, và nói rằng, ông có đức tin vào nữ thần.
Vào năm 2014, Lal Mohan Soren, 17 tuổi cũng tự cắt lưỡi để tế thần bằng một lưỡi dao cùn khiến máu chảy lênh láng và tử vong tại Đền Mahedevgarha, thị trấn Dugda.
Giới chức Ấn Độ khó có thể can thiệp vào những tín ngưỡng như vậy vì niềm tin của dân chúng vào các vị thần là quá lớn.
Theo Hà Kim (Báo Công Lý)