Người chết trong độ tuổi 50. Trong thành phố có hàng chục triệu dân này, không ai biết về ông, khiến người quá cố trở thành nạn nhân mới nhất của "kodokushi" (chết cô độc), xu hướng đang phát triển gần đây ở Nhật Bản, quốc gia có dân số già hóa.
Ohshima mặc áo bảo hộ trắng, đeo găng tay. Anh lật tấm chiếu phủ thi thể lên, phát hiện giòi bọ đã bu đầy.
"Ca này thật nghiêm trọng", anh nói. "Phải mặc đồ bảo hộ để bảo vệ bản thân khỏi bọ, loài truyền nhiễm có thể mang mầm bệnh".
Kodokushi đang gia tăng ở Nhật Bản, nơi 27,7% dân số trên 65 tuổi và nhiều người trung niên không tìm bạn đời mà chọn cách sống đơn độc. Các chuyên gianhận định các yếu tố văn hóa, xã hội và nhân khẩu học của Nhật Bản kết hợp đã làm vấn đề thêm phức tạp.
Chết cô độc
Hiện không có con số chính xác về số người chết cô độc, những người qua đời nhiều ngày hay nhiều tuần mà không ai hay biết. Các chuyên gia ước tính khoảng 30.000 người mỗi năm.
Yoshinori Ishimi, người điều hành dịch vụ Anshin Net, chuyên dọn dẹp nhà cửa tại nhà có người chết, tin rằng con số thực "gấp hai tới ba lần".
Nhật Bản đã trải qua những thay đổi sâu rộng về văn hóa và kinh tế trong những thập niên gần đây nhưng các nhà nhân khẩu học cho rằng mạng lưới an sinh xã hội không bắt kịp, khó khăn nhất là chăm sóc người cao tuổi.
"Ở Nhật, gia đình lâu nay là nền tảng vững chức cho mọi hình thức hỗ trợ xã hội", Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia nổi tiếng về phúc lợi xã hội bày tỏ.
"Nhưng giờ mọi thứ đang thay đổi, số người độc thân gia tăng, quy mô gia đình nhỏ lại", Fujimori nói. Ông là nghiên cứu viên trưởng của Viện nghiên cứu và thông tin Mizuho.
30 năm qua, tỷ lệ hộ gia đình đơn thân đã tăng gấp đôi, chiếm 14,5% tổng dân số, với chủ hộ đa số là đàn ông trong độ tuổi 50, phụ nữ trong độ tuổi 80 hoặc già hơn. Tỷ lệ kết hôn giảm, do đàn ông sợ công việc quá bấp bênh để kết hôn và chu cấp cho gia đình, còn phụ nữ đi làm nhiều hơn và không cần lấy chồng để được chu cấp.
Ở Nhật Bản hiện nay, cứ 4 người đàn ông 50 tuổi thì có một người chưa kết hôn. Tới năm 2030, con số này ước tính tăng 30%.
Cô lập
Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi Nhật Bản có xu hướng văn hóa chia sẻ với gia đình hơn là hàng xóm khi gặp rắc rối. Theo đánh giá của Fujimori, người Nhật lớn tuổi ngại làm phiền hàng xóm, ngay cả chuyện nhỏ nhất cũng không muốn nhờ vả, dẫn tới việc thiếu giao lưu và cô lập.
Khoảng 15% người cao tuổi Nhật Bản sống một mình, chỉ chuyện trò với người khác một tuần một lần, so với tỷ lệ 5% ở Thụy Điển, 6% ở Mỹ và 8% ở Đức. Các con cháu họ cũng sống xa nhà, hoặc không đủ nguồn lực để giúp đỡ trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Fujimori ủng hộ tăng thuế để cung cấp an sinh xã hội tốt hơn cho người già, hỗ trợ tài chính cho gia đình cần nuôi dạy, cho phép người lớn tuổi quay lại làm việc.
"Nếu gia đình không thể đảm nhận đúng vai trò của nó, xã hội phải xây dựng khuôn khổ đáp ứng nhu cầu đó", Fujimori nói. "Nếu không, sẽ còn nhiều người chết cô độc hơn nữa".
Không ảnh, không thư từ
Ngoài việc thân nhân người chết đau khổ khi nhận ra người nhà qua đời một mình nhiều ngày trong nhà, một yếu tố thực tế khác là những vụ thế này khiến giá nhà giảm xuống.
Ông chủ công ty dọn vệ sinh Ishimi cho rằng Nhật Bản cần giáo dục thanh niên về vấn đề này,
"Có ai muốn chết cô độc đâu chứ? Toàn xã hội phải suy nghĩ về vấn đề này", Ishimi nói.
Quay lại với căn hộ ở Tokyo, Ohshima và đồng nghiệp đóng cửa sổ lại, tránh cho mùi lan ra ngoài khu vực đông dân cư.
Căn phòng đầy dấu hiệu của một người yêu âm nhạc và điện ảnh thích sống giản dị, với đầy đĩa CD và DVD trong nhà, ngoài ra chẳng có mấy đồ đạc. Không có bức ảnh hay bức thư nào trong nhà.
Đa số sẽ bị bỏ đi nhưng Ohshima và hai đồng nghiệp vẫn giữ lại vật tùy thân có giá trị, đề phòng có thân nhân người chết tới nhận.
"Cảnh sát vẫn đang tìm người nhà ông ấy", Ohshima nói. "Nhưng tới nay vẫn chưa có tin tức gì".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)