Gần một tuần qua, bác sĩ nhãn khoa Elias Jaradeh làm việc không ngừng nghỉ, cố gắng cứu chữa các đôi mắt bị thương do máy nhắn tin, bộ đàm phát nổ hàng loạt trên khắp Li-băng .
“Không nghi ngờ gì nữa, những gì đã xảy ra là vô cùng bi thảm khi bạn chứng kiến số lượng lớn người bị thương ở mắt đồng loạt đến bệnh viện, hầu hết là thanh niên, nhưng cũng có cả trẻ em và phụ nữ trẻ”, ông Jaradeh nói với hãng tin Mỹ AP tại một bệnh viện ở thủ đô Beirut, trong khi cố kìm nước mắt.
Các bệnh viện và nhân viên y tế ở Li-băng đã bị quá tải sau khi hàng ngàn thiết bị cầm tay thuộc lực lượng Hezbollah phát nổ đồng loạt, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng. Khoảng 3.000 người bị thương, một số người bị tàn tật vĩnh viễn.
Israel được cho là đứng sau vụ tấn công , mặc dù nước này chưa xác nhận hay phủ nhận sự liên quan của mình.
Nhiều nạn nhân là dân thường
Dù các vụ nổ dường như nhằm vào các chiến binh Hezbollah, nhiều nạn nhân lại là dân thường. Và nhiều người trong số người bị thương đã bị tổn thương tay, mặt và mắt vì máy nhắn tin nhận tin nhắn kích nổ ngay trước khi phát nổ, khiến họ nhìn vào thiết bị đúng lúc chúng nổ tan tành. Chính quyền Li-băng chưa công bố con số cụ thể bao nhiêu người đã mất thị lực.
Các bác sĩ mắt kỳ cựu và dày dạn kinh nghiệm của Li-băng, những người đã đối phó với hậu quả của nhiều cuộc chiến, bất ổn dân sự và các vụ nổ, cho biết họ chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vậy.
Jaradeh, người cũng là một nghị sĩ đại diện cho miền Nam Li-băng với tư cách là một nhà cải cách, cho biết, hầu hết các bệnh nhân được gửi đến bệnh viện của ông, nơi chuyên về nhãn khoa, đều là thanh niên với tổn thương nghiêm trọng ở một hoặc cả hai mắt. Ông cho biết đã tìm thấy các mảnh nhựa và kim loại bên trong mắt một số bệnh nhân.
Bốn năm trước, một vụ nổ lớn đã xé toạc cảng Beirut, giết chết hơn 200 người và làm bị thương hơn 6.000 người. Vụ nổ đó, do hàng trăm tấn ammonium nitrate được lưu trữ không an toàn tại một nhà kho ở cảng phát nổ, đã phá vỡ cửa sổ và cửa ra vào trên diện rộng và làm văng những mảnh kính lớn ra khắp các con phố, gây ra những vết thương kinh hoàng.
Bác sĩ Jaradeh cũng đã điều trị cho những người bị thương trong vụ nổ cảng Beirut, nhưng kinh nghiệm của ông với những người bị thương bởi máy nhắn tin, bộ đàm phát nổ lần này còn khủng khiếp hơn nhiều do số lượng người bị thương ở mắt quá lớn.
“Theo tôi, việc kiểm soát cú sốc sau vụ nổ cảng Beirut mất khoảng 48 giờ, nhưng bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể kiểm soát được cú sốc này”, ông Jaradeh nói.
Bác sĩ Jaradeh nói rằng ông cảm thấy khó khăn trong việc tách biệt vai trò bác sĩ của mình khỏi cảm xúc trong phòng mổ.
“Dù người ta có dạy bạn (ở trường y) cách giữ khoảng cách, tôi nghĩ trong tình huống như thế này, rất khó khi bạn nhìn thấy số lượng lớn người bị thương như vậy. Đây là một cuộc chiến chống lại Li-băng và cũng là cuộc chiến chống lại nhân loại”, bác sĩ Jaradeh nói.
Theo Thái An (Tiền Phong)