Chứng kiến số ca nhiễm chậm hẳn lại sau khi áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt vào mùa xuân vừa qua, chính phủ nhiều nước châu Âu đã nhanh chóng quyết định tái lập cuộc sống bình thường, mở cửa xã hội để thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Nhưng họ đã quên mất rằng, ca nhiễm chậm lại không có nghĩa là các ổ dịch đã mất. Chúng vẫn ở đó, và chỉ một số ít quốc gia là còn áp dụng hệ thống theo dõi, ngăn chặn dịch bệnh mà thôi. Tệ hơn nữa, một số khu vực thậm chí tỉ lệ lây nhiễm còn không thể giảm xuống mức phù hợp để những hệ thống như vậy có thể hoạt động được hiệu quả.
Hậu quả, họ phải đối mặt với làn sóng virus lần thứ 2 trên toàn lục địa, đồng thời tạo ra nguy cơ cả châu Âu phải sống chung với tỉ lệ lây nhiễm cao trong suốt năm tiếp theo.
Nỗ lực cân bằng trong vô vọng
"Mọi người nghĩ tình hình đã được kiểm soát, nhưng thực ra là không," - Rafael Bengoa, đồng giám đốc Viện Y tế và Chiến lược tại Bilbao (Tây Ban Nha). "Lửa có thể tắt, nhưng than vẫn còn hồng."
Các quốc gia tại châu Âu đang cố gắng chọn một con đường an toàn, là không kiểm soát virus quá chặt chẽ nhưng cũng không mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Đây là một thử nghiệm về cách kiểm soát đại dịch mà không tác động mạnh đến quyền tự do công dân hoặc phương kế sinh sống của họ.
Hiện tại, đa số các quốc gia đang thử phong tỏa cục bộ tại các điểm nóng dịch bệnh. Tuy nhiên, sự thử nghiệm này đang gặp nhiều rắc rối, bởi người dân đã quá chán để tuân thủ quy định, trong khi số ca tử vong lại tăng lên. Điều này dẫn đến việc một số nhà lãnh đạo phải từ bỏ, chuyển sang giải pháp mạnh hơn. Như Ireland mới đây vừa ban hành lệnh phong tỏa trong vòng 6 tuần.
"Thực sự rất khó," - trích lời Giáo sư Lawrence Freedman từ ĐH King's College London. "Mọi người nói như thể có những quy định rõ ràng phải tuân thủ, nhưng không có đâu."
Không còn lựa chọn
Cuộc đua trở lại cuộc sống bình thường đã tạo điều kiện để virus bùng phát. Khắp châu lục, các trường đại học đón sinh viên trở lại. Chính phủ Anh bơm viện trợ hàng triệu suất ăn tại các nhà hàng để kích thích mọi người dùng dịch vụ, trong khi du khách tràn vào các hộp đêm của Tây Ban Nha và Pháp khi biên giới mở cửa. Khi virus khuất dạng, tất cả chuyển trạng thái xả hơi.
"Nhà chức trách đã ưu tiên kinh tế hơn y tế, cho rằng trong mùa hè sẽ không có chuyện gì xảy ra," - Saúl Ares, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia của Tây Ban Nha nhận định.
Chính vì điều này mà giờ đây, các nhà lãnh đạo chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái thiết lập phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Pháp và Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Paris chịu lệnh giới nghiêm, trong khi Madrid bị phong tỏa hoàn toàn.
Người dân xứ Wales được khuyên chỉ nên rời nhà khi thực sự có nhu cầu. Tại Ý, khẩu trang trở thành bắt buộc khi đi ra ngoài. Dù các biện pháp hạn chế chưa quá nghiêm ngặt như hồi đầu năm, chúng chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm, và thử thách sự kiên nhẫn của người dân trong mùa đông sắp tới.
Về tổng thể, các nước châu Âu hiện đang ở vị thế kiểm soát đại dịch tốt hơn so với hồi tháng 3. Khả năng làm xét nghiệm đã mạnh hơn, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ để đối phó với làn sóng mới. Người dân hiện cũng đã làm quen với cuộc sống giãn cách và phải đeo khẩu trang.
Dẫu vậy, ngay cả ở Ý - nơi từng bị virus tàn phá và luôn thận trọng khi tái mở cửa, giờ cũng đã thấy số ca nhiễm gia tăng. Tỉ lệ lây nhiễm của Đức cũng bắt đầu tăng lên, bất chấp hệ thống xét nghiệm diện rộng cùng ngành y tế được đánh giá là top đầu thế giới.
Nhưng theo Erik Jones, giáo sư ĐH Johns Hopkins thì nhìn ở góc độ khác, các nước châu Âu cũng chẳng có lựa chọn nào ngoài việc tái mở cửa và đặt hy vọng vào vaccine - hoặc một phương thuốc nào đó sẽ xuất hiện vào mùa thu. Nhìn vào số liệu là thấy, trong Liên minh châu Âu (EU) nền kinh tế sụt giảm tới 11,8% trong quý 2 vì Covid-19.
Những con số đáng sợ
Ở Anh Quốc và 27 quốc gia thuộc EU, tỉ lệ mắc Covid-19 rơi vào khoảng 280/ 1 triệu dân mỗi ngày trong tuần qua, theo dữ liệu của ECDC. Đó là một bước tăng đáng sợ, nếu so với tỉ lệ dưới 10 ca vào đầu tháng 5.
Trong giai đoạn này, Pháp ghi nhận 29.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Anh là 20.000 ca, Ý hơn 13.000, Tây Ban Nha vượt 18.000, còn Đức rơi vào khoảng 8.800.
Số ca nhiễm tăng vọt có thể được giải thích bằng việc làm xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, số ca tử vong hoặc phải nhập viện đang tăng, cho thấy tình hình đại dịch đang trở nên trầm trọng. Trong 7 ngày qua, Pháp ghi nhận trung bình 170 ca tử vong, Tây Ban Nha và Anh là hơn 160. Nó thấp hơn rất nhiều so với con số 1000 khi dịch đạt đỉnh vào mùa xuân, nhưng đã tăng mạnh so với mùa hè.
Bản chất virus corona cần tiếp xúc xã hội để chuyển vật chủ. Khi kinh tế tái mở cửa, du khách xuất hiện, dân châu Âu cũng vội vàng kéo đến quán bar, nhà hàng sau những tháng ngày ở nhà vì phong tỏa. Rồi trường học cũng mở cửa. Tất cả tạo thành một chuỗi phản ứng để virus lây nhiễm và phát tán rộng hơn.
Hiện tại, virus còn nhận được hậu thuẫn lớn hơn nữa khi tiết trời chuyển sang thu, và mọi người dành nhiều thời gian trong môi trường kín hơn.
Dù các nước đã có khả năng xét nghiệm rộng hơn trước, nhưng các vấn đề vẫn tồn tại, điển hình như thời gian ra kết quả còn hạn chế, dẫn đến việc xét nghiệm không thể theo kịp quy mô dịch bệnh. Như tại Pháp, Anh, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia nữa, hệ thống xét nghiệm - truy vết giờ không thể vận hành hiệu quả.
Một điểm khác biệt lớn trong làn sóng dịch thứ 2: sự ủng hộ của công chúng với cách ứng phó dịch bệnh đang suy giảm, dẫn đến hoài nghi về khả năng hiệu quả của các lệnh hạn chế mới. Chính phủ các nước vì thế đang ngần ngại trong việc tái áp đặt phong tỏa toàn diện, mà hướng đến một giải pháp nhẹ nhàng hơn. Anh đưa ra hệ thống hạn chế 3 cấp độ, trong đó các vùng phía bắc phải tuân thủ nghiêm ngặt nhất, trong khi các nơi khác lại tương đối tự do.
Các chuyên gia cũng nhận định việc phong tỏa toàn quốc là khá nặng nề, trong khi các giải pháp cục bộ hơn có thể hiệu quả nếu các nhà lãnh đạo làm rõ được với công chúng.
Theo J.D (Trí Thức Trẻ)