Châu Âu đã nhiều năm ngăn chặn Nga tung tin giả

26/06/2017 15:17:00

Tại châu Âu, cuộc chiến chống sự can thiệp của Nga vào bầu cử của các nước bằng con đường tung tin giả đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Tại châu Âu, cuộc chiến chống sự can thiệp của Nga vào bầu cử của các nước bằng con đường tung tin giả đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Châu Âu đã nhiều năm ngăn chặn Nga tung tin giả

Theo báo Washington Post, trong những năm qua, các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp và phương thức đa dạng nhằm phanh phui các âm mưu của Nga trong việc làm lung lạc cử tri châu Âu cũng như gây tổn hại tới sự đoàn kết trong khối.

Công khai mọi âm mưu

Báo Washington Post đã tiến hành phỏng vấn hơn bốn mươi vị quan chức và các nhà nghiên cứu ở châu Âu và nhận thấy đa số họ tự tin cho rằng các nỗ lực của họ đã phát huy hiệu quả trong ngăn chặn âm mưu tung tin thất thiệt của Nga, các vụ tấn công mạng, tốt hơn những gì giới quan chức Mỹ đã và đang triển khai.

Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ hoạt động tại châu Âu nhận định: "Cách phản ứng ở đây rất thực dụng. Mọi người đều chăm chú vào việc đó".

Trong cuộc bầu cử Pháp gần đây, ứng cử viên Emmanuel Macron, sau thắng cử, từng là nạn nhân của một vụ tấn công mạng và cũng phải hứng chịu những kiểu tin đồn thất thiệt bị cáo buộc do phía Nga tung ra.

Tại Đức, tất cả các đảng phái chính trị đều nhất trí không sử dụng các bot tự động trong chiến dịch tranh cử trên mạng xã hội của họ.

Bởi lẽ theo họ những công cụ mạng rất khó truy lùng tung tích này thường bị phía Nga lợi dụng để lưu hành một loạt những tài khoản mạng giả mạo.

Các chuyên gia châu Âu nhận định, cách tốt nhất để ngăn chặn những ảnh hưởng từ phía Nga là công khai các chiêu thức của họ khi phát hiện được.

Vừa phòng vừa chống

Chẳng hạn Thụy Điển khởi động một chương trình giáo dục trên toàn quốc nhằm hướng dẫn sinh viên, học sinh cách nhận diện những phương thức tuyên truyền của Nga.

Bộ quốc phòng Thụy Điển thành lập các đơn vị mới với nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn những âm mưu gây tổn hại cho xã hội nước này.

Tại Lithuania, một nhóm khoảng 100 người tham gia nhóm hoạt động kiểu "cải trang" trên mạng nhằm phát hiện những tài khoản trên mạng xã hội có liên quan với Nga chuyên làm nhiệm vụ gieo rắc thông tin thất thiệt.

Tại Brussels, đội đặc nhiệm East Stratcom của Liên minh châu Âu có 14 nhân viên và hàng trăm tình nguyện viên là các học giả, nhà nghiên cứu và nhà báo đã tìm hiểu và công bố khoảng 2.000 ví dụ cụ thể về những dạng thức thông tin sai lạc hoặc bị bóp méo bằng 18 ngôn ngữ khác nhau trong một ấn bản báo cáo hàng tuần được khởi động từ hai năm trước.

Bên cạnh những nỗ lực phanh phui các âm mưu thao túng thông tin của Nga, các nước châu Âu cũng xúc tiến triển khai những biện pháp trấn áp hoạt động này.

Pháp và Anh là hai quốc gia gần đây đã gây áp lực thành công với mạng xã hội Facebook trong việc buộc ban quản trị Facebook phải vô hiệu hóa hàng chục ngàn tài khoản chuyên thao túng cử tri tại thời điểm sát bầu cử.

Facebook cũng đã tăng gấp đôi số lượng "quan sát viên", lên tới 6.000 người, để giám sát và loại bỏ các nội dung thù địch và bôi nhọ người khác trên nền tảng mạng xã hội của công ty này.

Gần đây nội các Đức cũng đã phê chuẩn dự luật, và hiện tại dự luật này đang được trình lên quốc hội, trong đó áp dụng mức phạt lên tới 53 triệu USD với các công ty chủ quản mạng xã hội trong trường hợp họ không gỡ bỏ các nội dung thù địch.
 

Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)

Nổi bật