Cuối tháng 9, cơn bão Boris đã tàn phá nhiều quốc gia bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Áo và Ý, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và thiệt hại lên tới hàng tỷ bảng Anh.
Nhóm World Weather Attribution (WWA) cho biết có một đợt mưa kéo dài 4 ngày gần đây là đợt mưa lớn nhất từng được ghi nhận ở Trung Âu - cường độ mưa tăng gấp đôi do biến đổi khí hậu.
Về mặt tích cực, cơn bão đã được dự báo tốt, nghĩa là một số khu vực đã chuẩn bị tốt hơn, có thể tránh được thêm nhiều ca tử vong.
Rất may là lượng mưa do bão Boris gây ra vẫn còn hiếm – dự kiến chỉ xảy ra khoảng 100-300 năm một lần trong điều kiện khí hậu hiện nay, khi nhiệt độ đã tăng khoảng 1,3 độ C do khí thải nhà kính. Nhưng nếu nhiệt độ tăng thêm lên 2 độ C, những đợt tương tự sẽ trở nên dữ dội hơn 5% và thường xuyên hơn 50%, WWA cảnh báo.
Vứt bỏ mọi thứ để thoát thân
Jarmila Šišmová không biết điều gì sẽ xảy ra khi mưa bắt đầu trút xuống thị trấn nhỏ Litovel ở Cộng hòa Séc, và bà không chuẩn bị cho cơn ác mộng sắp xảy ra khi mưa tạnh.
Chính quyền đã bảo Šišmová rời khỏi nhà, vì vậy bà đã đưa các con đến nhà bà ngoại để chờ cơn bão qua đi. Khi mực nước dâng cao, một người hàng xóm đã kiểm tra mặt trước của ngôi nhà và thấy những bao cát vẫn ở nguyên vị trí. Nhưng chỉ không lâu sau đó, Šišmová phát hiện ra lũ đã tràn vào tòa nhà, nhấn chìm toàn bộ tài sản, đồ đạc của bà trong màu nước nâu bẩn.
“Điều đó thật kinh khủng đối với tôi,” Šišmová, một giám đốc bán hàng và là bà mẹ đơn thân của 3 đứa trẻ nói, chỉ vào một thùng đầy đồ nội thất, quần áo và đồ chơi. “Chúng tôi phải vứt bỏ mọi thứ.”
Những câu chuyện như của Šišmová đang được lan truyền trên toàn thế giới. Cộng hòa Séc nằm ở tâm bão đã giết chết hai chục người trên khắp Trung Âu và khiến EU phải hứa viện trợ 10 tỷ euro cho các quốc gia bị lũ lụt. Vương quốc Anh cũng bị ảnh hưởng bởi những trận mưa như trút nước vào đầu tuần, với lượng mưa trong 24 giờ nhiều hơn cả lượng mưa cả tháng trung bình ở một số vùng của đất nước.
Tại các thị trấn dọc biên giới Cộng hòa Séc với Ba Lan, nơi lũ lụt hoành hành mạnh nhất, người dân mô tả dòng nước lũ dữ dội đã xé nát cuộc sống của họ như thế nào.
Tại Krnov, nơi có ba người tử vong, thư viện thành phố cho biết họ đã mất hơn 20.000 cuốn sách do lũ lụt và chỉ có đủ thời gian để cứu những tập sách quan trọng nhất. Jakub Mruz, giám đốc thư viện, cho biết tổn thất này là "không đáng kể" so với những gì người khác đã trải qua, nhưng "thật buồn và đau đớn cho bất kỳ ai yêu sách khi chứng kiến điều như thế này".
Tại Jesenik, nơi một người tử vong, lượng mưa đạt gần 500mm trong 5 ngày, trầm trọng hơn do gió thổi trên núi và các sườn dốc trơ trụi mà bọ vỏ cây đã tàn phá các cánh rừng vân sam xốp. Hệ thống thoát nước trong thành phố bị hỏng và lũ lụt đã phủ một lớp bùn độc hại lên khắp các con phố.
Lũ lụt hiếm có do chính con người gây ra
Các nhà khoa học cho biết lũ lụt tàn khốc ở Trung Âu trở nên tồi tệ hơn nhiều do biến đổi khí hậu và cho thấy viễn cảnh tương lai ảm đạm của lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới này.
Một nghiên cứu nhanh về nguyên nhân được công bố ngày 25/9 cho thấy lượng mưa cực lớn ở châu Âu có khả năng tăng gấp đôi do ô nhiễm làm nóng hành tinh và mạnh hơn 7%.
Miroslav Trnka, nhà khoa học về khí hậu từ Viện Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu, cho biết mức tăng trung bình 7% có vẻ không nhiều nhưng đủ để khiến một con đập trở nên vô dụng.
“Đó là một vấn đề nhị phân”, ông nói. “Không phải là các biện pháp phòng chống lũ lụt chỉ có tác dụng một phần, hoặc không có tác dụng hoặc có tác dụng hoàn toàn, và có một khoảng cách tương đối nhỏ ở giữa”.
Nếu không có hành động quyết liệt hơn về biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức khoảng 3 độ C vào cuối thế kỷ.
Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London và là đồng tác giả của nghiên cứu WWA, cho biết: "Đây chắc chắn là điều chúng ta sẽ thấy nhiều hơn trong tương lai. Đó chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu khi mà kỷ lục bị phá vỡ với biên độ lớn như vậy."
Châu Âu là lục địa ấm lên nhanh nhất toàn cầu. Theo Copernicus, 5 năm qua châu lục này đã ấm hơn khoảng 2,3 độ C so với nửa sau của thế kỷ 19. Điều này không chỉ mang lại nhiều đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn mà còn có lượng mưa lớn hơn, đặc biệt là ở miền bắc và miền trung châu Âu. Bức tranh phức tạp hơn ở miền nam châu Âu do sự thay đổi trong các kiểu thời tiết trên diện rộng.
Lý do đơn giản nhất cho lượng mưa lớn hơn ở một thế giới nóng hơn là bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn – khoảng 7% cho mỗi 1 độ C. Độ ẩm bổ sung này có thể dẫn đến lượng mưa lớn hơn.
Một lý do khiến bão Boris gây ra nhiều mưa như vậy là do hệ thống thời tiết bị "bế tắc", đổ một lượng nước lớn xuống cùng một khu vực trong nhiều ngày.
Có một số bằng chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu làm xuất hiện luồng phản lực - một dải gió thổi nhanh ở trên cao trong khí quyển - có thể khiến hiện tượng 'đình trệ thời tiết' này trở nên phổ biến hơn. Nhưng điều này vẫn đang được tranh luận.
Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, giải thích: “Những kiểu thời tiết này xảy ra trong điều kiện khí hậu ấm hơn do khí thải nhà kính của chúng ta, vì vậy cường độ và lượng mưa lớn hơn so với bình thường”.
Tiến sĩ Dottori nói thêm: "Các mô phỏng của chúng tôi cho thấy nếu bạn có thể giữ mức nóng lên toàn cầu trong tương lai dưới 1,5 độ C, một trong những mục tiêu của thỏa thuận Paris, thì thiệt hại do lũ lụt trong tương lai sẽ giảm một nửa so với kịch bản đang xảy ra. Nếu không, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai: cường độ mưa và các hiện tượng thời tiết này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Nguồn: BBC, The Guardian
Theo Chi Chi (Phụ Nữ Số)