Châu Âu bắt đầu đụng độ vì người di cư

02/02/2016 09:50:58

Làn sóng người di cư đang gây ra thêm những cơn đau đầu mới cho châu Âu, xuất phát từ các vụ bạo lực bài ngoại chống người di cư.

Làn sóng người di cư đang gây ra thêm những cơn đau đầu mới cho châu Âu, xuất phát từ các vụ bạo lực bài ngoại chống người di cư.

Cảnh sát Đức ngăn chặn đụng độ giữa bên cực hữu và bên phản đối chủ nghĩa phát xít tại làng Buedingen ở Đức tối 30-1 - Ảnh: Reuters

 
Cảnh sát Thụy Điển cuối tuần qua cho hay hàng chục người đàn ông đeo mặt nạ thuộc các băng nhóm phát xít mới đã tụ tập tại thủ đô Stockholm và phát các tờ rơi kêu gọi tấn công những trẻ em di cư trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề người di cư dâng cao.
 
Tôi phản đối hình ảnh một nước Đức với những kẻ quá khích cực hữu gây bạo lực -Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigma Gabriel cho biết
 
Tâm lý bài ngoại đáng lo
 
Cảnh sát Thụy Điển đã tăng cường hiện diện ở trung tâm thành phố, triển khai các đơn vị chống bạo động và trực thăng sau khi nhận được tin báo những kẻ cực đoan đang lên kế hoạch tấn công những trẻ em di cư không có bố mẹ đi cùng.
 
Tờ báo địa phương Aftonbladet dẫn lời một nhân chứng: “Tôi đi ngang qua và thấy một nhóm đeo mặt nạ, mặc đồ đen và bắt đầu đánh những người nước ngoài”.
 
Người phát ngôn cảnh sát địa phương Towe Hagg cho hay họ chưa nhận được bất cứ đơn từ khiếu nại nào về việc tấn công người di cư, nhưng một người đàn ông 46 tuổi đã bị bắt sau khi đánh một sĩ quan mặc thường phục.
 
Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman đã lên tiếng phản đối “các nhóm phân biệt chủng tộc đã đe dọa và lan truyền sự thù hằn nơi công cộng”.
 
Ông nói thêm rằng mỗi người dân phải phản ứng mạnh mẽ với chuyện này. “Đây là một xu hướng gây quan ngại trong xã hội” - ông tuyên bố.
 
Trong khi đó, có ba người đã bị tạm giữ vì gây rối nơi công cộng và một người khác đối diện với tòa án vì mang dao.
 
Tờ Aftonbladet dẫn lời các nhân chứng nói những nhóm đeo mặt nạ nhắm vào “những người có bề ngoài ngoại quốc”.
 
Trang web Nordfront, một diễn đàn trực tuyến của phong trào phát xít mới SMR, nói theo “nguồn tin” của họ thì khoảng 100 kẻ quá khích từ các câu lạc bộ bóng đá đã tụ tập cuối tuần qua để sẵn sàng thực hiện hành động mà họ gọi là “thanh lọc những tên tội phạm đến từ Bắc Phi”.
 
Sau khi tỏ ra hào hiệp trong vấn đề người di cư thời gian đầu, những ngày qua chính quyền Thụy Điển tuyên bố dự kiến sẽ trục xuất hàng chục ngàn người không đáp ứng được yêu cầu xin tị nạn và việc này sẽ được tiến hành trong vòng nhiều năm.
 
Đất nước 9,8 triệu dân này là một trong số ít các nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận nhiều người di cư đang đổ về châu Âu.
 
Hôm 30-1 vừa qua, khoảng 200 người đã tụ tập ở Stockholm để yêu cầu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven từ chức cũng như đẩy nhanh việc trục xuất người di cư.
 
Số người di cư mới đến Thụy Điển đã sụt giảm kể từ hôm 4-1 khi Stockholm kiểm tra giấy tờ tùy thân đối với những hành khách đến nước này bằng tàu hỏa, phà và xe buýt thông qua ngả Đan Mạch.
 
Chính sách siết chặt này được đưa ra trong bối cảnh có những quan ngại ngày càng tăng về các cơ sở tiếp nhận người di cư đang quá đông đúc. Giới chức cũng kêu gọi tăng cường an ninh sau khi một nhân viên tại trung tâm tiếp nhận trẻ di cư không bố mẹ bị đâm chết tuần trước.
 
Số vụ bạo lực tăng
 
Tại Đức, tình hình thậm chí mang yếu tố đối đầu căng thẳng. Những người biểu tình có tư tưởng cực hữu hôm 30-1 vừa qua đã đụng độ với những nhà hoạt động chống chủ nghĩa phát xít tại làng Buedingen ở tây nam nước Đức, và đã xảy ra một vụ ném lựu đạn.
 
Cảnh sát cho hay khoảng 80 người biểu tình cực hữu đã đối mặt với 150 người thuộc phong trào chống phát xít và người di cư tại thị trấn Black Forest.
 
Không ai bị thương hay có thiệt hại gì sau vụ ném lựu đạn nhưng hành động này đã gây ra sự quan ngại. Phía đảng cầm quyền của Đức đã lên án rằng hành động này là đáng sợ và bị coi như một âm mưu giết người.
 
Tại một đất nước đã tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư trong năm ngoái, bạo lực chống người di cư đang tăng lên.
 
Văn phòng chống tội phạm liên bang Đức tuần trước đưa ra báo cáo cho thấy có 173 vụ tấn công các khu tạm cư của người di cư trong năm ngoái, hơn 6 lần số vụ xảy ra trong năm 2014. Riêng trong tháng 1 năm nay đã có 10 vụ xảy ra.
 
Hôm 30-1, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã phải thừa nhận “các hành vi bạo lực chống người di cư đang gia tăng đáng báo động”.
 
Tại Anh, theo CNN, đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa những người cực hữu và các nhóm phản đối chủ nghĩa phát xít tại Dover, nơi các chuyến phà xuất phát đi Pháp và gần đường hầm xuyên eo biển Manche.
 
Đụng độ xảy ra khi hai nhóm đối địch này cùng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối và chào đón người di cư. Vài người bị thương và ba người bị bắt. Cảnh sát cũng đã thu giữ nhiều hung khí.
 
>> Hơn 10.000 trẻ em mất tích bí ẩn khi nhập cư vào châu Âu
 
Theo Thu Anh (Tuổi Trẻ)

Nổi bật