Theo Reuters, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết một luồng không khí lạnh tràn vào nước này từ ngày 4-11 sẽ hòa cùng luồng không khí hôm 2-11 và kéo nhiệt độ giảm mạnh, nhất là khu vực sa mạc và đồng cỏ thưa dân ở khu vực Nội Mông phía Bắc, trong khi bão tuyết có thể tấn công vùng Tân Cương phía Tây Bắc.
Trong tuần tới, phần lớn Đông Bắc Trung Quốc sẽ chứng kiến nhiệt độ giảm xuống mức một con số hoặc dưới mức đóng băng.
Nhiệt độ đóng băng vào thời điểm này đã bất thường song vẫn chưa bằng cách thời tiết đột ngột thay đổi. Chỉ vài ngày trước, nhiều vùng phía Bắc Trung Quốc có nhiệt độ cao kỷ lục giữa mùa thu khi vượt quá 30 độ C; còn Bắc Kinh bị bao phủ bởi sương mù do khuếch tán khí quyển kém, vì các luồng khí lạnh từ phương Bắc còn yếu.
Điều kiện ấm hơn bình thường cũng có thể sớm quay lại sau đợt lạnh giá do ảnh hưởng của El Nino.
Tại Ấn Độ, người dân New Delhi hôm 3-11 chịu đựng một lớp sương mù dày đặc độc hại. Một số trường học được lệnh đóng cửa trong 2 ngày do chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở một số vùng của thủ đô Ấn Độ ở mức nguy hiểm.
Lớp sương mù này thường hình thành vào mùa đông, khi không khí lạnh dày đặc giữ lại bụi xây dựng, khí thải xe và khói đốt rơm rạ ở các bang lân cận.
Trong khi đó, nghiên cứu công bố hôm 2-11 của một nhóm khoa học gia bao gồm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Trường ĐH Columbia (Mỹ) cảnh báo biến đổi khí hậu đang gia tăng và thế giới sẽ vượt ngưỡng nóng lên 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp ngay trong thập kỷ này.
Mức nóng lên hiện tại đã là gần 1,2 độ C, sau một năm liên tiếp xảy ra các cú sốc thời tiết từ các đợt nóng khốc liệt ở Trung Quốc đến thảm họa lũ lụt Libya. Năm 2023 cũng dự kiến trở thành năm nóng kỷ lục.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)