Chân dung trùm khủng bố được mệnh danh "hoàng tử chột mắt"

16/06/2015 09:15:30

Nổi tiếng với một bên mắt chột, trùm khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi Mokhtar Belmokhtar được thuộc hạ đặt biệt danh "hoàng tử", là thủ lĩnh dày dạn kinh nghiệm, chỉ đạo một loạt vụ tấn công, bắt cóc con tin.

Nổi tiếng với một bên mắt chột, trùm khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi Mokhtar Belmokhtar được thuộc hạ đặt biệt danh "hoàng tử", là thủ lĩnh dày dạn kinh nghiệm, chỉ đạo một loạt vụ tấn công, bắt cóc con tin.

Trong thông báo muộn đêm chủ nhật, chính phủ Libya công bố một cuộc không kích đã tiêu diệt được trùm khủng bố Mokhtar Belmokhtar và một số tùy tùng người Libya đang lẩn trốn ở phía đông nước này.
 
Đại tá Steven H. Warren, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định Belmokhtar là mục tiêu tấn công của các máy bay F-15E của Mỹ. Tuy nhiên, quan chức Mỹ tỏ ra thận trọng khi nói về số phận hiện tại của Belmokhtar và cho rằng cần có bằng chứng cụ thể để chắc chắn là trùm khủng bố này đã bị tiêu diệt. Do mục tiêu oanh kích rộng và đã có nhiều trái bom được thả xuống nên việc xác định kết quả cụ thể sẽ cần một khoảng thời gian. Cũng có thể trang web chính thức của nhóm khủng bố sẽ đưa ra tuyên bố để tang.
 

Mokhtar Belmokhtar. Ảnh: Guardian

Nếu Belmokhtar được khẳng định đã chết thì đây là chiến thắng quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố vì y là một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

"Hoàng tử" nhiều biệt danh

Belmokhtar là trùm khủng bố người gốc Algeria và khu vực hoạt động chính là ở vùng Sahel, kéo dài dọc sa mạc Sahara từ Senegal xuống Chad. Có thể các hoạt động trực tiếp liên quan đến al-Qaeda đã giảm bớt nhưng vai trò của Belmokhtar vẫn ngày càng lớn. Y thường được thuộc hạ gọi là "Hoàng tử" và là thủ lĩnh jihad  cuối cùng còn sống ở khu vực Bắc Phi. Tất cả những tên khác đã bị tiêu diệt trong các đợt không kích của quân Pháp. Hơn thế, Belmokhtar chắc chắn là trùm khủng bố đáng sợ nhất do khả năng lên kế hoạch và hành động của y.

Belmokhtar bắt đầu được chú ý từ trong cuộc nội chiến ở Algeria những năm 1990. Y tham gia một nhóm chiến binh ở Algeria và tiến hành các hoạt động buôn lậu và bắt cóc đòi tiền chuộc. Một vụ tấn công khủng bố mà y thực hiện là vụ bắt cóc một nhà ngoại giao người Canada vào cuối năm 2008.

Các hoạt động của Belmokhtar trong vùng sa mạc nằm giữa bắc Mali và nam Algeria cùng Libya được che giấu suốt nhiều năm là nhờ khả năng hòa nhập rất tốt của y vào cộng đồng địa phương. Y kết hôn với một người phụ nữ địa phương ở Timbuktu, Mali, nói được nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau và chia sẻ tiền bạc có được từ hơn một thập kỷ bắt cóc tống tiền người phương Tây.

Nhà ngoại giao Canada Robert Fowler, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc,  nạn nhân bị Belmokhtar bắt  cóc trong 4 tháng, kể trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 rằng ông "rất ấn tượng với phong thái chỉ huy lặng lẽ mà y thể hiện". Robert đã gặp Belmokhtar nhiều lần trong suốt thời gian bị nhóm khủng bố giam cầm.

Trong số các biệt danh chiến binh của Belmokhtar còn có Laaouar hay còn gọi là "chột mắt" vì y được cho là bị mất một mắt trong thời gian giao chiến với quân Liên Xô trong những năm 1980 ở Afghanistan, nơi y học được phần lớn kỹ năng chiến đấu. Với quá khứ từng buôn lậu thuốc lá, y còn có tên gọi là "người đàn ông Marlboro".

Thực hiện một loạt vụ tấn công
Khi trở thành một thủ lĩnh của chi nhánh al-Qaeda ở các nước Hồi giáo Bắc Phi (AQIM) Belmokhtar là trùm khủng bố dày dạn kinh nghiệm nhất trong số 4 thủ lĩnh AQIM. Tiếp đó y tách khỏi nhóm và trở thành thủ lĩnh của Tiểu đoàn Al Mulathameen, một tổ chức mà Mỹ chính thức coi là khủng bố vào năm 2013.
 

Vùng hoạt động của Blmokhtar nằm ở khu vực giữa bắc Mali và nam Algeria cùng Libya. Ảnh: Google Map

Tháng giêng năm 2013, Belmokhtar chỉ huy một cuộc tấn công vào nhà máy khai thác khí đốt ở Algeria làm chết 38 người trong đó có ba người Mỹ. 4 tháng sau đó, nhóm của y phối hợp với một tổ chức khủng bố có tên gọi Phong trào thống nhất và Jihad ở Tây Phi  để thực hiện một cuộc tấn công ở Niger, làm chết 20 người.

Tháng 8/2013, nhóm của Belmokhtar và tổ chức cực đoan Tây Phi tuyên bố sáp nhập để thành lập một nhóm mới có tên là Al Murabitoun. Tuy nhiên vụ sáp nhập này thất bại và hai nhóm lại chia tách. Không lâu sau, nhóm khủng bố Tây Phi tuyên bố gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khi Belmokhtar vẫn trung thành với al-Qaeda. Trong tuyên bố công khai cuối cùng y đã chê trách đồng bọn của mình, những tên tuyên bố gia nhập IS, là vi phạm cơ sở nền tảng tổ chức của chúng.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết là cơ quan tình báo đã theo dõi và biết Belmokhtar thâm nhập và ra khỏi Libya nhiều lần, ít nhất là kể từ cuối năm 2012. Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc không kích chỉ được xác định trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ trước đó. Quan chức Mỹ cũng khẳng định máy bay trinh sát không người lái đã góp công lớn trong việc theo dõi trùm khủng bố.

Đây cũng là lần đầu tiên quân Mỹ tiến hành hoạt không kích ở Libya kể từ khi NATO có chiến dịch ở nước này năm 2011 giúp loại bỏ chính quyền của Gaddafi.

Tuy nhiên, đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch tại đây. Điển hình các hoạt động của đặc nhiệm Mỹ như vào tháng 10/2013, quân Mỹ đã bắt một chiến binh Libya được cho là có vai trò trong vụ đánh bom vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998; hoặc tháng 6/2014 đặc nhiệm Mỹ đã bắt giữ nghi phạm tổ chức tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012.

"Belmokhtar có bề dày lãnh đạo các hoạt động khủng bố, với tư cách là thành viên của AQIM, là lãnh đạo phụ trách hoạt động của tổ chức Al Mulathameen có liên hệ với al-Qaeda ở tây, bắc Phi và duy trì sự trung thành cá nhân của hắn với al-Qaeda", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren đánh giá.

Cuộc không kích tiêu diệt Belmokhtar diễn ra cùng lúc đối thủ cạnh tranh của y là ISquyết định mở rộng hoạt động bên trong lãnh thổ Libya, khiến cho quan chức phương Tây lo ngại do khoảng cách từ Libya đến châu Âu quá gần, chỉ cách có biển Địa Trung Hải.

Đã 4 năm sau khi chế độ của Gaddafi sụp đổ nhưng chính quyền Libya hiện nay vẫn rất yếu, không có đủ sức mạnh để kiểm soát nhóm khủng bố hoặc chí ít là làm đối tác trong các nỗ lực quân sự của phương Tây nhằm chống lại khủng bố. Hai nhóm vũ trang mà mỗi bên đều có chính quyền riêng của mình giao tranh để giành quyền kiểm soát Libya. Trong thực tế, các bên này quan tâm chủ yếu đến những tranh chấp nội bộ hơn là chống lại IS.
 
Theo Minh Châu (VnExpress.net)

Nổi bật