Goto-gumi là một nhánh của Yamaguchi-gumi, tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản. Goto thành lập nó năm 1985.
Sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố quyết định phong tỏa tài sản của Goto, giới chức Campuchia cũng tuyên bố họ sẽ truy tìm ông ta, Cambodia Daily cho biết.
Trước đó, tháng 4/2015, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt Teruaki Takeuchi, cầm đầu băng đảng Kodo-kai ở Nhật Bản.
Tadamasa Goto có nhiều tham vọng trong thế giới ngầm Nhật Bản, nay trở thành nhà sư ở Campuchia. Ảnh: Japan Times. |
Hơn 4 tháng sau, một lực lượng lớn thành viên của Yamaguchi-gumi tách ra và thành lập nhóm Kobe Yamaguchi-gumi vào tháng 8/2015, khiến dư luận lo ngại cuộc chiến tương tàn giữa Yamaguchi-gumi và băng đảng mới có thể xảy ra.
Vì sao Mỹ không trừng phạt Kunio Inoue, kẻ cầm đầu Kobe Yamaguchi-gumi, mà nhắm vào Goto? Trước đó Goto tuyên bố ông ta rời khỏi Yamaguchi-gumi vào năm 2008 và trở thành một nhà tu hành Phật giáo.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Goto làm việc cho tập đoàn tội phạm Inagawa-kai vào năm 1972. Sau đó ông ta gia nhập Yamaguchi-gumi và trở thành nhân vật cốt cán.
Cảnh sát tin rằng Goto đã thành lập hàng loạt công ty cho băng đảng trước khi họ đuổi ông ta. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vẫn coi Goto là một tội phạm có ảnh hưởng lớn dù ông ta sống ở Campuchia từ năm 2010. Giới chức Mỹ tin rằng Goto tới Campuchia rửa tiền cho yakuza tại Campuchia.
Dù sự hoài nghi của Bộ Tài chính Mỹ đúng hay sai thì Goto vẫn là một trong những trùm yakuza khét tiếng nhất ở Nhật Bản. Năm 1992, đạo diễn Juzo Itami làm một phim về yakuza.
Trong các cuộc phỏng vấn, Itami nói với các phóng viên rằng ông muốn cho công chúng thấy họ có thể thắng nếu chống thế giới ngầm. Nổi giận vì nội dung của bộ phim, một số thành viên của nhóm Goto-gumi đánh và rạch mặt vị đạo diễn 6 ngày sau khi phim ra rạp.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Habakarinagara”, Goto khẳng định ông ta không liên quan tới vụ tấn công Itami. Tuy nhiên, kẻ cầm đầu băng đảng này khẳng định Itami đáng bị tấn công như thế do vị đạo diễn khiến công chúng cảm thấy yakuza là những kẻ đần độn.
Sau khi bác sĩ chẩn đoán Goto mắc ung thư gan, ông ta chấp thuận một đề nghị của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Theo đó, trùm xã hội đen sẽ cung cấp thông tin về các đồng đảng để đổi lấy visa vào Mỹ. Goto ghép gan tại Trung tâm Y khoa Los Angeles thuộc Đại học California. Nhưng sau khi nhận gan, Goto cung cấp rất ít thông tin cho FBI.
Yamiguchi-gumi đuổi Goto ra khỏi tổ chức vào năm 2008 vì họ tin rằng ông ta cùng 10 thành viên muốn lật đổ ban lãnh đạo. Báo Nishi Nihonkhẳng định vào ngày 7/9/2015 rằng sự ra đi của Goto là nguyên nhân khiến Yamiguchi-gumi tách đôi. Tác giả bài báo cho rằng Inoue, trùm của nhóm tách ra, vạch kế hoạch lật đổ, trong khi nhiều người cho rằng Goto mới là kẻ chủ mưu. Inoue và Goto vốn là hai kẻ thân cận với nhau. Những cáo buộc như thế là lý do để giới chức Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Goto. Động thái của Washington cũng là lời cảnh báo ngầm đối với Yamaguchi-gumi.
Kazuo Nozaki là doanh nhân tranh chấp với nhóm Goto-gumi về quyền sở hữu một tòa nhà ở thành phố Tokyo. Vào tháng 4/2006, người dân phát hiện thi thể Nozaki với những vết dao đâm. Cảnh sát đưa một số thành viên của Goto-gumi ra tòa, song Goto vẫn bình yên vô sự.
Hồi tháng 8/2012, gia đình Nozaki kiện Goto về cái chết của vị doanh nhân. Họ cho rằng ông ta phải chịu trách nhiệm vì là người thuê những kẻ giết Nozaki vào thời điểm án mạng xảy ra.
Theo báo Chunichi Shimbun, hai bên dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án. Gia đình Nozaki rút đơn kiện để nhận 1,4 triệu USD từ Goto-gumi, đồng thời Goto cũng gửi lời chia buồn tới thân nhân của Nozaki. Đó là sự dính líu cuối cùng của Goto tới pháp luật trước khi ông ta sang Campuchia.
Theo Quân Vũ (Zing.vn)