Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, một người đàn ông họ Lê (Li) sống ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây phía Đông Nam Trung Quốc, đã làm giả kết quả xét nghiệm ADN để đăng kí cho con gái vào sổ hộ khẩu của gia đình anh để giúp cô bé có thể đi học.
Ngoài ra, theo một báo cáo từ tài khoản mạng xã hội chính thức của cơ quan chức năng địa phương cho biết, anh Lê đã một mình nuôi cô bé từ lúc sơ sinh đến khi bắt đầu đi học kể từ khi mẹ cô bé bỏ nhà đi.
Nói về hoàn cảnh của mình, anh Lê cho biết, anh gặp và quen biết với mẹ của bé gái hồi năm 2019, sau đó hai người đã nảy sinh tình cảm và đến với nhau. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã bỏ đi sau khi hạ sinh đứa trẻ, trong khi đó anh Lê vẫn tin rằng bé gái sinh ra chính là con mình. Mặc dù vậy khi đi xét nghiệm ADN, anh Lê đã không khỏi bị sốc khi nhận được kết quả.
Vì không đăng kí kết hôn với người phụ nữ, đồng thời cũng không biết tung tích người này đã đi đâu nên anh Lê không được cơ quan chức năng cho phép nhận cô gái làm con nuôi. Theo luật pháp tại Trung Quốc, để được nhận con nuôi, yêu cầu phải có sự đồng ý của ít nhất một trong hai cha mẹ ruột đứa trẻ thì mới được nhận con nuôi và người đàn ông độc thân phải lớn hơn đứa trẻ ít nhất 40 tuổi.
Chính vì vậy, anh Lê đã quyết định làm giả kết quả xét nghiệm quan hệ cha con và đăng ký cô gái là con gái mình. Nhưng khi anh mang giấy tờ đã sửa đổi đến cơ quan công an, nhân viên đăng ký hộ khẩu phát hiện có dấu vết giả mạo và tuyên phạt tù anh 5 ngày.
Vụ việc đã khiến cư dân mạng nổ ra cuộc tranh cãi, với nhiều ý kiến chia rẽ về hành động của người cha. Tuy nhiên, nhiều người cũng thông cảm cho hoàn cảnh của anh.
“Kể cả biết đó là vi phạm pháp luật, và cô bé không phải là con ruột, thế mà anh ấy vẫn muốn cho cô một mái nhà.”, một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.
“Anh ấy vĩ đại hơn nhiều so với những bậc cha mẹ đẻ vô trách nhiệm đó”. Người khác bình luận.
Tuy nhiên một số những ý kiến khác lại ủng hộ quyết định của cảnh sát và nhắc nhở cộng đồng mạng rằng luật này có lý do nghiêm trọng của nó.
“Cảnh sát nên xác minh tình trạng cha mẹ và con cái một cách nghiêm ngặt theo sổ sách thì mới có thể ngăn chặn nạn bắt cóc trẻ em”, một người bình luận trên Weibo cho biết.
Theo SCMP, kể từ năm 2002, Trung Quốc đã chấp nhận kết quả xét nghiệm ADN từ các tổ chức bên thứ ba làm bằng chứng pháp lý. Tuy nhiên việc này đã khiến tỷ lệ người đi xét nghiệm nhằm xác định mối quan hệ huyết thống ngày một tăng ở đất nước này.
Đặng Á Quân (Deng Yajun) đến từ Viện Gen Bắc Kinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã làm công việc xét nghiệm DNA trong hai thập kỷ cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 xét nghiệm được tiến hành. Khoảng một năm trước, cô nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng 10% cho kết quả âm tính.
Theo Đặng, trường hợp khó khăn nhất của cô xảy ra vào năm 2005, khi cô phải nói với một tù nhân và con trai anh ta rằng họ không có quan hệ huyết thống. Trước đó, cô đã được cảnh sát yêu cầu kiểm tra quan hệ cha con của người đàn ông để cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo có thể được đăng ký hộ khẩu .
QT (SHTT)