CDC Trung Quốc trả lời vụ dữ liệu gien SARS-CoV-2 ở chợ Vũ Hán 'biến mất'

19/03/2023 07:31:08

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố kết quả cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc về việc các trình tự gien SARS-CoV-2 từ chợ hải sản Hoa Nam - Vũ Hán không còn trên GISAID.

Trước đó, The New York Times đưa tin một nhóm nghiên cứu quốc tế đã tìm ra bằng chứng liên kết các con lửng chó bị buôn bán trái phép ở chợ hải sản Hoa Nam - Vũ Hán với nguồn gốc đại dịch COVID-19 nhờ phân tích các trình tự gien được Trung Quốc chia sẻ trên cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID. Nhưng sau đó các trình tự gien này đã biến mất khỏi GISAID.

Chợ hải sản Hoa Nam chính là nơi bị nghi ngờ là khởi đầu cho làn sóng COVID-19 ở Vũ Hán cuối năm 2019.

Theo thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO tối 18-3, WHO cho biết họ đã lập tức liên hệ với CDC Trung Quốc cũng Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh mới (SAGO).

CDC Trung Quốc trả lời vụ dữ liệu gien SARS-CoV-2 ở chợ Vũ Hán 'biến mất'
Chợ hải sản Hoa Nam - Trung Quốc bị phong tỏa đầu năm 2020 - Ảnh: NPR

WHO được giải thích rằng dữ liệu bộ gien được chia sẻ trên GISAID là cơ sở cho một bản cập nhật dự kiến của nhóm khoa học gia "Liu và các cộng sự" - chính là nhóm đã công bố nghiên cứu năm 2022 được đề cập dưới dạng bản preprint.

"Quyền truy cập đã bị hạn chế ngay sau đó, dường như để cho phép CDC Trung Quốc cập nhật thêm dữ liệu" - WHO cho biết. Bản preprint của nghiên cứu năm 2022 cũng đang được CDC Trung Quốc cập nhật để gửi lại và sẽ xuất bản chính thức trên tạp chí khoa học Nature.

Sau khi thảo luận với WHO và SAGO, một cuộc gọi đã được sắp xếp vào ngày 12-3 giữa các nhà khoa học từ CDC Trung Quốc và nhóm nghiên cứu quốc tế nói trên. WHO và SAGO sau đó đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 14-3, mời cả hai nhóm.

Các bài thuyết trình từ cả hai phía chỉ ra rằng có những điểm mới được tìm thấy sau khi phân tích dữ liệu gien có sẵn từ chợ hải sản Hoa Nam. Các mẫu này bao gồm dữ liệu metagenomic của các mẫu môi trường từ nhiều quầy hàng và địa điểm thu gom nước thải được thu thập vào đầu tháng 1-2020.

Phân tích các dữ liệu này cho thấy rằng ngoài các trình tự SARS-CoV-2, một số mẫu còn chứa ADN của con người, cũng như ADN ti thể của một số các loài động vật, bao gồm cả một số loài được biết là dễ nhiễm SARS-CoV-2 như con lửng chó, nhím Malaysia và chuột tre trong các mẫu môi trường dương tính với SARS-CoV-2.

Các phát hiện cho thấy động vật đã có mặt tại chợ ngay trước khi chợ được dọn sạch vào ngày 1-1-2020. Những kết quả này cung cấp các đầu mối tiềm năng để xác định các vật chủ trung gian của SARS-CoV-2 và các nguồn lây nhiễm tiềm ẩn ở người trên thị trường.

Theo preprint của các tác giả Trung Quốc (Liu và cộng sự 2022), trong số 1.380 mẫu được thu thập từ môi trường và động vật trong chợ vào đầu năm 2020, 73/923 mẫu môi trường được xét nghiệm dương tính với RT-qPCR đặc hiệu với SARS-CoV-2, nhưng không phát hiện thấy virus trong 457 mẫu động vật được xét nghiệm.

Các mẫu động vật bao gồm xác động vật, xác động vật đông lạnh và các sản phẩm động vật, cũng như động vật đi lạc quanh chợ và bao gồm 18 loài. Con lửng chó không nằm trong số đó.

Nhưng sự hiện diện của ADN  ti thể của chó gấu trúc ở mức cao trong dữ liệu metagenomics từ các mẫu môi trường trong phân tích mới, cho thấy rằng chúng và các động vật khác có thể đã có mặt trước khi chợ được dọn dẹp, các hình ảnh trước đó cũng đã xác nhận.

"Mặc dù điều này không cung cấp bằng chứng thuyết phục về vật chủ trung gian hoặc nguồn gốc của virus nhưng dữ liệu cung cấp thêm bằng chứng về sự hiện diện của động vật dễ mắc bệnh tại chợ có thể là nguồn lây nhiễm cho người" - WHO nói.

SAGO sẽ tiếp tục đánh giá bất kỳ và tất cả dữ liệu khoa học được chia sẻ bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc và các nhà nghiên cứu khác từ bất kỳ đâu trên thế giới góp phần xác định nguồn gốc của đại dịch.

SAGO cũng khuyến khích tất cả dữ liệu về trình tự và metagenomic có sẵn được công khai trên GISAID hoặc bất kỳ cơ sở dữ liệu trình tự nào khác và các bản in trước đang được xem xét sẽ được chia sẻ càng sớm càng tốt với cộng đồng khoa học, cũng như khuyến khích các nhà khoa học quốc tế hợp tác với đồng nghiệp Trung Quốc.

Theo Anh Thư (Nld.com.vn)