Ngày càng có nhiều người Mỹ nói riêng và người trẻ toàn cầu nói chung lựa chọn không có con cái. Và bố mẹ của họ đã mở lòng để chia sẻ điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của họ.
Nỗi tiếc nuối không lời của việc không bao giờ trở thành ông bà
Christine Kutt, 69 tuổi, cầm trên tay bức ảnh con gái bà - người con duy nhất bà sinh ở độ tuổi đã khá muộn. Bà Kutt vẫn giữ hy vọng mỏng manh rằng con gái của mình sẽ thay đổi quyết định về việc không có con.
Lydia Birk, 56 tuổi, vẫn còn giữ cuốn sách “The Velveteen Rabbit” mà 3 con của bà - những người giờ đang ở độ tuổi 20 và 30 từng yêu thích trong thời thơ ấu.
Bà Birk cho biết bà yêu thích việc làm một bà mẹ nội trợ và luôn để nhà tràn ngập sách. Bà tự hào khoe cả 3 con đều biết đọc trước khi vào lớp 1. Bà luôn ngóng chờ đến ngày có thể trở thành một người bà thật “ngầu” ngồi kể chuyện “ngày xưa” với các cháu mình.
Thế nhưng không có đứa con nào của bà muốn có con. Dù biết quyết định này của các con là hợp lý, nhưng bà Birk vẫn đau lòng: “Tôi đã không còn những đứa con nhỏ nữa rồi, chúng đã lớn, và bây giờ tôi cũng sẽ không có những đứa cháu nhỏ. Phần cuộc đời “làm bà” đó của tôi đã kết thúc, vì chưa hề bắt đầu”.
Giống bà Kutt và Birk, một thế hệ 5X đến 7X đang phải đối mặt với một sự thật đau buồn với họ rằng họ sẽ không bao giờ trở thành ông bà.
Theo thống kê, năm 2021, hơn 1 nửa số người lớn trên 50 tuổi ở Mỹ có cháu, giảm từ tỷ lệ 60% trong năm 2014. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh liên tục giảm, ngày càng có nhiều người Mỹ lựa chọn không có con trong cuộc đời mình.
“Đó là điều tốt nhất, cũng tệ nhất khi có con. Bạn nhìn chúng đưa ra những quyết định của riêng mình, nhưng lại khác với chính kiến của bạn”, ông John Birk Jr., 55 tuổi, chồng bà Lydia nói.
Những người như ông bà Birk hiểu rõ rằng con cái không có nghĩa vụ phải tiếp nối nòi giống của họ và tôn trọng quyết định của con. Thế nhưng trong trái tim họ vẫn cảm thấy mất mát. Claire Bidwell Smith, một nhà tâm lý học đến từ Los Angeles cho biết việc xã hội có định nghĩa “các cháu là phần thưởng của tuổi già” càng làm cảm xúc này của họ khó giải quyết hơn.
“Các con tôi sẽ không thay đổi ý kiến đâu”, bà Birk nói. “Tôi khá là tiếc nuối. Thế nhưng tôi càng nghĩ nhiều về chuyện này thì càng thấy ‘Mình đã nuôi dạy nên những đứa trẻ tuyệt vời, vậy là đủ”.
“Bạn luôn nghe mọi người nói về việc làm ông bà hay cha mẹ tuyệt vời như thế nào. Tôi nghĩ là khi mọi người không được trải nghiệm điều đó, họ sẽ có tiếc nuối. Đó là loại tiếc nuối mà văn hoá của chúng ta có phần nào né tránh không dám nói đến nhiều”, Bidwell Smith nhận định.
Cảm thấy mất mát khi không để lại “di sản”
Christine Kutt, 69 tuổi, sinh con duy nhất của bà ở tuổi 42, sau rất nhiều năm cho rằng mình không muốn làm mẹ. Việc có con đã thay đổi cuộc đời bà hoàn toàn. Bà thích việc được làm mẹ. Tuy nhiên, con gái bà rất chắc chắn về quyết định không muốn làm mẹ.
Dù ủng hộ quyết định của con, bà vẫn âm thầm ôm một tia hy vọng mỏng manh rằng cô sẽ thay đổi ý kiến. Bà mơ đến cảnh được đàn cháu xum vầy, cảnh mình sẽ truyền cho chúng những công thức nấu ăn gia truyền và tình yêu nhạc rock của mình. Ngay từ khi con gái còn nhỏ, bà đã mơ đến viễn cảnh đó.
Những ông bố bà mẹ đang hy vọng có cháu hầu hết đang ở độ tuổi “sợ hãi thời gian”, Maggie Mulqueen, bác sĩ tâm lý đến từ Wellesley, Mass. Điều đó có nghĩa là họ đang đối mặt với những câu hỏi hiện sinh về cuộc đời mình và di sản mình để lại.
Bác sĩ Mulqueen đã tư vấn cho rất nhiều người thuộc thế hệ tuổi trung niên và cao niên và nhận thấy việc con cái không muốn có con thường làm mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái căng thẳng.
Có những người như bà Kutt, vì lo lắng mâu thuẫn và to tiếng sẽ xảy ra nên lựa chọn không bao giờ bàn luận với con về chủ đề này. “Tôi đã chấp nhận rằng sẽ không bao giờ nhắc về chuyện này”, bà cho biết. Thế nhưng đôi khi bà vẫn khuyên bảo con rằng hãy luôn mở rộng góc nhìn và đừng đóng khung tư tưởng của mình.
Tình huống thậm chí có thể khiến một số ông bố bà mẹ thấy tội lỗi vì cảm thấy bị từ chối. Một số khách hàng của Mulqueen đã đặt câu hỏi: “Có phải tôi làm cha mẹ quá tệ nên con cái tôi mới không muốn có con nữa không?”. Và khi phải nhìn thấy và nghe những người bạn của mình kể chuyện đã chơi với cháu như thế nào - ví dụ như dẫn chúng đi xem bóng, đan khăn cho chúng hay làm cả bữa ăn thật ngon dịp cuối tuần chờ con cháu về ăn - những người đàn ông và phụ nữ này dễ dàng cảm thấy bị rơi.
“Nó cũng là vấn đề tương tự như khi bạn bè của bạn đã kết hôn hoặc sinh con mà bạn thì chưa. Cảm xúc của cha mẹ khi bạn chưa có con cũng như vậy”, Mulqueen nói.
Như mọi người khác trong bài phỏng vấn này, Jill Perry, 69 tuổi, cho biết cả 2 con gái độ tuổi 30 của bà đều đã quyết định không làm mẹ và bà tôn trọng điều đó. Thế nhưng, ở độ tuổi hưu trí, khi không còn làm việc, thời gian rảnh rất nhiều, bà không biết phải vượt qua như thế nào. Khi thấy bạn bè đăng ảnh vui vầy với các cháu nhỏ trên mạng xã hội, bà Perry luôn hình dung ra liệu mình sẽ ra sao nếu được làm một người bà. Ngôi nhà của bà có thể trở thành một “ngôi nhà vui nhộn”, nơi lũ trẻ có thể thoả thích sơn vẽ lên tường và thực hiện những cuộc thám hiểm nhỏ. Nhưng không có lũ trẻ nào cả.
“Tôi nghĩ đó là phần tôi phải tranh đấu và giải quyết. Tôi đã chấp nhận sự thật mình sẽ không có cháu, vậy nhưng tôi cần đối mặt và giải quyết nhu cầu được làm một người bà của mình như thế nào?”, bà Perry nói.
Thẳng thắn đối mặt
Về phần những người con, cô Elijah Birk, con gái bà Lydia Birk chia sẻ: “Một trong những giai đoạn tôi đã phải trải qua là cảm xúc tội lỗi với câu hỏi ‘Liệu mình có trách nhiệm phải cho cha mẹ điều này không?’”.
Chuyên gia Bidwell Smith đưa ra lời khuyên rằng những người cha và người mẹ này cần cho phép bản thân thời gian và sự thẳng thắn với chính mình. Họ cần cho phép mình cảm thấy tiếc nuối chứ không phải là cố thuyết phục bản thân rằng chuyện này không quan trọng bằng những viện cớ như ‘có nhiều mất mát đáng sợ hơn nhiều trên thế giới này’.
Những người đến tuổi làm ông bà nhưng không được làm ông bà nên dành thời gian để khám phá chính mình và đặt câu hỏi: Nếu quãng đời tiếp theo trong cuộc đời mình không bao gồm các cháu, vậy có hoạt động nào khác để mình thực hiện và tận hưởng cuộc sống? Nhiều khách hàng của bác sĩ Mulqueen sau đó đã tham gia làm giáo viên tình nguyện ở trường học địa phương hoặc đi du lịch vòng quanh thế giới.
Chồng của bà Perry, ông David Cox, 67 tuổi đã tìm cách đối diện thực tế và không lãng mạn hoá trải nghiệm làm ông bà nữa, và vẫn thừa nhận mình cảm thấy tiếc nuối: “Tôi tin chắc cả tôi và vợ đều rất hạnh phúc khi được trao đi món quà là tình yêu vô điều kiện của mình tới các cháu, nếu chúng tôi được làm ông bà. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra”.
Theo Chi Chi (Phụ Nữ Số)