Trang Sohu đưa tin về một người phụ nữ khoảng trên dưới 30 tuổi, tên Tiểu Lý, là một giáo viên Trung học ở Trung Quốc khiến dân mạng nước này tranh cãi gay gắt.
Theo thông tin từ Sohu, qua vài cuộc điện thoại tư vấn, cô Lý đã đem tóc của chồng đến Trung tâm Giám định Phù Dung, trực thuộc bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc để xác minh thân phận của đứa con do cô dứt ruột đẻ ra.
Cô Lý chia sẻ, vì nhiều lý do nên cô và chồng phải sống xa nhau. Vào một buổi tối năm kia, khi cô Lý một mình đi ngang qua khu công trình nọ thì bị một gã đàn ông lôi vào bên đường cưỡng hiếp. Tuy rằng đã ra sức phản kháng, nhưng cô Lý chân yếu tay mềm không thể chống lại kẻ đồi bại.
Sau vụ việc, cô Lý nén tủi nhục trở về nhà với đầy vết thương trên cơ thể và cả trong tâm hồn. Cô khóc lóc hồi lâu rồi tự nhốt mình trong nhà. Vừa xấu hổ vừa sợ hãi, cô Lý chẳng dám kể chuyện này với bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình hay người chồng đầu gối tay ấp. Thậm chí, cô còn không cả báo công an vì không chịu đựng nổi khi phải đem nỗi đau này ra mổ xẻ thêm lần nữa.
Bi kịch là ở chỗ trước khi xảy ra vụ việc đau lòng kể trên khoảng 10 ngày, cô Lý đã làm xét nghiệm HCG* cho ra kết quả dương tính với thai kỳ (đã có thai).
*HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là một hormon được tiết ra từ các tế bào hình thành trong nhau thai sau khi trứng rụng được thụ tinh và làm tổ. Xét nghiệm beta HCG là một xét nghiệm kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu hoặc nước tiểu, chỉ số này có thể giúp chẩn đoán có thai sớm. Xét nghiệm beta HCG có độ chính xác khá cao, lên đến 97%.
Cô Lý lẳng lặng ôm nỗi đau trong suốt thai kỳ rồi may mắn sinh ra một bé con khoẻ mạnh. Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn dần, cô Lý càng nhìn càng cảm thấy nó không hề giống chồng mình. Cô dần hình thành những suy nghĩ tiêu cực, và lăn tăn không biết liệu đứa bé này có phải là con của kẻ đã cưỡng hiếp mình năm đó.
Kể từ lúc bắt đầu có ý niệm ấy, cô Lý ăn không ngon, ngủ không yên trong suốt 1 năm trời. Cảnh tượng kinh hoàng khi xưa cứ liên tục tái hiện trong đầu, gợi lại cho cô bao nỗi đau không thể diễn tả được thành lời.
Một thời gian dài căng thẳng khiến cho cô Lý bị mắc chứng trầm cảm, không thể đi làm bình thường như trước. Bởi vậy, cô đành nói với người nhà rằng việc trông con quá bận rộn nên không muốn tiếp tục đi làm nữa.
Thế nhưng, sau khi nghỉ việc ở nhà thì bệnh trầm cảm, sự dằn vặt tự trách trong lòng cô Lý vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Cuối cùng, cô phải tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia ở Trung tâm Giám định Phù Dung, bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam.
Các chuyên gia tại đây cho biết, nếu cô Lý đã mang thai rồi thì không có khả năng thụ thai thêm lần nữa, hơn nữa dựa vào các mốc thời gian cô cung cấp thì đứa trẻ rất khó có khả năng là con của kẻ đồi bại đã cưỡng hiếp cô. Dẫu vậy, trước sự suy sụp của cô Lý, họ vẫn tiến hành giám định để cho cô một câu trả lời xác đáng nhất về bố của con cô.
Kết quả đúng như dự liệu, đứa trẻ đúng là con của chồng cô Lý. Khi nhận được kết quả, cô Lý rơi nước mắt vì xúc động. Cô chia sẻ dự định ban đầu nếu đứa bé không phải là con của chồng mình thì cô sẽ tìm cách giải thoát cho anh và nói với anh sự thật đã giấu kín hơn 1 năm qua.
Câu chuyện được đăng tải trên trang Sohu nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Một số người tỏ ra thương cảm cho nữ giáo viên kể trên, nhưng cũng có người trách mắng cô không báo án là đang tiếp tay cho tội phạm...
Bên cạnh đó, nhiều người khác lại tỏ ra bất bình vì tình tiết câu chuyện quá khó tin: "Chắc chắn là câu chuyện bịa đặt rồi, chẳng thể tin nổi ấy!", "Những người học y chắc phải khóc thét khi đọc câu chuyện này.", "Bài quảng cáo cho trung tâm giám định kia phải không?", "Chắc chỉ là câu chuyện hư cấu mà thôi.", "Một câu chuyện "cẩu huyết" khó tin giữa đời thực ư?", "Đừng tin mấy câu chuyện kiểu này, mới nghe đã thấy không ổn rồi!"...
Theo DingDang TT (Pháp luật & Bạn đọc)