Theo China Daily, một khoản tiền 100.000 tệ (gần 15.500 USD) đã được gửi về trường tiểu học huyện Lỗ Điện thuộc thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam hôm 10/1, sau khi hình ảnh cậu bé Wang Fuman gây sốt khắp mạng xã hội Trung Quốc.
Bức ảnh chụp Wang, 8 tuổi, do thầy hiệu trưởng Fu Heng chia sẻ, cho thấy băng giá bám đầy trên tóc và lông mày của em sau gần một giờ đi bộ, vượt quãng đường 5 km để tới trường làm bài kiểm tra vào sáng 8/1. Cậu bé chỉ mặc một áo khoác mỏng trong thời tiết -9 độ C. Bàn tay em tím bầm, nứt nẻ vì phải học trong phòng không có hệ thống sưởi.
Ông Fu cho biết hôm đó là ngày đầu tiên của kỳ thi cuối kỳ và nhiệt độ giảm sâu chỉ trong nửa giờ, khi cậu bé đang trên đường đi học.
Wang sống trong một ngôi nhà mái tranh vách đất cùng bà và chị gái. Bố em lên thành phố làm công nhân nuôi sống gia đình, còn mẹ em đã bỏ nhà đi từ khi con trai còn bé. Wang cho hay mình đã không gặp bố vài tháng nay và rất nhớ bố.
Chính quyền địa phương cùng các tình nguyện viên đã tìm đến ngôi trường và phân phát đợt hàng cứu trợ mùa đông đầu tiên cho 81 học sinh. Bố của Wang cũng được công ty xây dựng mời làm việc ở quê nhà.
Tổng số tiền mà các nhà hảo tâm hỗ trợ cho cậu bé và trường của em hiện đạt hơn 17 triệu tệ (2,6 triệu USD). Nhiều người bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của cậu bé và động viên em học tập chăm chỉ để đổi đời.
Wang chỉ là một trong hàng triệu trẻ em đang sống ở những vùng nghèo đói của Trung Quốc và câu chuyện của em nhấn mạnh sự bất bình đẳng trong giáo dục ở nước này. Để được học cái chữ, trẻ em ở vùng nông thôn phải vượt đường xa tới trường và ngồi học trong những căn phòng không có hệ thống sưởi giữa mùa đông lạnh giá.
Hoàn cảnh của các em hoàn toàn đối lập với những gia đình giàu có ở các thành phố hạng nhất, những người sẵn sàng chi hàng nghìn tệ cho con cái học thêm và tham gia trại hè. Một bài viết trên tờ Global Times cho rằng trẻ em nông thôn, đặc biệt là những em bị bố mẹ bỏ lại ở quê nhà để đi làm xa, cần được hỗ trợ nhiều hơn về giáo dục.
"Những đứa trẻ có điều kiện về tài chính có nhiều lựa chọn để phát triển nhưng với trẻ em nông thôn, giáo dục có lẽ là cơ hội duy nhất thay đổi vị thế trong xã hội", bài viết nhận định.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)