Buổi chiều thứ Ba, trên con đường bụi mù, lổn nhổn sỏi đá ở một ngôi làng nhỏ Karpabahal, phía Tây Namc bang Odisha, Saroj, chàng thiếu niên 17 tuổi sải những bước chân nặng nề và u uất.
Cậu có xe đạp. Nhưng không thể ngồi lên nó mà đạp. Bởi chiếc xe đạp cũ rích – phương tiện vận chuyển duy nhất của gia đình cậu – hôm nay phải làm một “nhiệm vụ” khác. Chở thi thể của mẹ cậu, cô Janki Sinhania.
Janki, 45 tuổi, chết trước đó 3 ngày, khi trượt chân ngã và đập đầu vào gờ đá ở hồ nước của làng. Chồng Janki, cha ruột của Saroj đã qua đời 3 năm trước. Kể từ đó cô sống với 2 đứa con của mình, Saroj và một bé gái 10 tuổi.
Janki, chồng cô, anh em Saroj là những “dalit” – tầng lớp tiện dân, nhóm “không đáng để đụng đến” trong hệ thống đẳng cấp của đạo Hindu tại Ấn Độ. Hiểu một cách đơn giản, họ sinh ra đã bị gắn mác “ô uế”, bị kì thị, xa lánh và xem thường.
Được che kín từ đầu đến chân, thi thể của Janki đặt nằm ngang trên một tấm phản gỗ, buộc chặt vào yên sau của xe đạp. Thuộc tầng lớp không đáng để đụng tới, nên chẳng ai giúp đỡ Saroj.
Và nghi lễ đưa tang mẹ cậu, từ nhà ra khu rừng hoang cách làng Karpabahal khoảng 5km, tất cả chỉ có thế. Cậu thiếu niên Saroj, chiếc xe đạp cà tàng, thi thể khốn khổ của Janki và tiếng bước chân lạo xạo trên con đường làng đầy sỏi đá.
Được sinh ra là người Hindu ở Ấn Độ đồng nghĩa với việc chấp nhận sự phân chia đẳng cấp, một trong những chế độ phân chia giai cấp xã hội tồn tại lâu đời nhất. Theo truyền thống, xã hội Ấn thường được chia thành những giai cấp sau đây:
Giai cấp cao nhất là ”Brahmani” gồm các tư tế, các người trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dậy dỗ và truyền thụ
Giai cấp thứ hai là ”Kshatriya” gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ tức giới thượng lưu quân sự. Giai cấp thứ ba là ”Vaishya” gồm các thương gia, các nông dân và các người chăn nuôi súc vật.
Giai cấp thứ tư là ”Shudra” gồm các người làm thủ công nghệ, đầy tớ và công nhân thợ thuyền.
Thấp nhất trong bậc thang xã hội là các người ”ngoài giai cấp” thường được gọi là những ”paria” hay ”không đáng đụng tới”, vì các công việc ô uế họ làm như thu dọn vệ sinh, chùi rửa cầu tiêu và chôn người chết. Đấy có thể cũng là những người đã vi phạm các luật lệ và mất các quyền xã hội và tôn giáo như thành phần của các giai cấp khác….
Ngày nay những người ”paria” này, chiếm khoảng 1/6 dân số Ấn Độ, tự định nghĩa họ là ”dalit” - những người bị áp bức.
TẦM HOAN (SHTT)