Cậu bé chuyển giới 5 tuổi

23/04/2015 14:10:14

Jacob Lemay sinh năm 2010, mang giới tính nữ với tên gọi Mia. Bố mẹ bé sớm nhận ra các dấu hiệu cho thấy Mia không hề tự tin, thoải mái trong thân hình một bé gái.

Jacob Lemay sinh năm 2010, mang giới tính nữ với tên gọi Mia. Bố mẹ bé sớm nhận ra các dấu hiệu cho thấy Mia không hề tự tin, thoải mái trong thân hình một bé gái.

Anh Joe cho biết, Mia từng muốn thay quần áo xoành xoạch, tới 12 lần một ngày. Chị Mimi miêu tả tâm trạng của cậu bé thay đổi thế nào khi được mặc chiếc áo len chui đầu màu xanh (kiểu áo của bé trai) và bé đã mặc cái áo đó suốt 6 tháng liền. Người mẹ kể: "Khi hiểu ra vấn đề, tôi nghĩ điều bé cố gắng làm là xua tan cảm giác khó chịu bên trong bản thân bằng cách cố thể hiện hình ảnh mình khác đi với thế giới".
 

Jacob trước và sau khi cắt tóc để trở thành một bé trai. Ảnh: Nbcnews.

Ngoài chuyện mặc quần áo, Mia còn có các dấu hiệu lạ, từ việc muốn cắt tóc kiểu con trai đến không bao giờ hòa hợp với trẻ khác và thậm chí có lúc thốt lên câu hỏi: "Tại sao Chúa lại tạo ra con thế này?". Khi nhỏ, Mia thường co người lại và có sự khác biệt đáng kể so với các chị em gái của bé.

Mặc các dấu hiệu này và thực tế rằng hiện họ đã được ủng hộ 100% về quyết định chuyển giới cho con thành Jacob, chị Mimi thừa nhận không phải lúc nào mọi thứ cũng dễ dàng. "Tôi từng hoang mang, e ngại và đã hy vọng rằng sự ám ảnh về việc mình có một cậu con trai sẽ không còn", chị kể trên Metro.

Thực tế diễn ra khác với điều mong ước của bà mẹ trẻ. Qua thời gian, sự quả quyết của Mia rằng bé muốn được đối xử như một cậu con trai càng mạnh hơn. "Bé muốn đóng vai là bé trai và cần được nhìn hay trò chuyện như với một bé trai khi ở nhà. Tất cả đều rõ ràng, kiên định và mạnh mẽ", chị Mimi kể.

Sau khi hỏi ý kiến một số bác sĩ và tham khảo thông tin trên mạng, nhìn thấy con hạnh phúc thế nào khi mặc bộ đồ hoàng tử Charming trong chuyến đi tới Disney World, vợ chồng chị quyết định chuyển giới cho con vào mùa hè năm ngoái. Hai người cho Jacob (khi đó vẫn được gọi là Mia) xem video nói về một cậu bé chuyển giới tên là Ryland Whittington và hỏi liệu bé có muốn giống với Ryland không.

Với vẻ mặt đau khổ, Jacob nói với bố mẹ: "Con không thể, con phải là Mia ở trường. Con có thể làm điều con muốn ở nhà nhưng phải là Mia ở trường". Tuy nhiên, bố Joe giải thích rằng cậu bé có thể chuyển trường và bắt đầu lại từ đầu là một bé trai, Jacob nói: "Đó là điều con muốn. Con muốn lúc nào cũng là con trai, tên là Jacob".

Mimi và Joe cắt tóc ngắn cho Jacob, thay đổi toàn bộ tủ quần áo của con và đề nghị bạn bè, người thân gọi bé là Jacob, đồng thời sử dụng các đại từ "cậu bé" "chàng nhóc" để gọi con. Jacob chuyển đến ngôi trường mới, nơi không trẻ nào biết cậu bé trước đây là cô nhóc Mia. Từ đó cuộc sống của Jacob tốt hơn hẳn. Cậu bé luôn vui vẻ hạnh phúc. Mimi kết luận: "Tôi nhận ra rằng con đã bước ra khỏi cái vỏ và thực sự được là chính mình".

Một số người nghĩ rằng trường hợp này quá nhỏ để tạo một sự thay đổi lớn như chuyển giới. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ, những chuyên gia từng làm việc với trẻ chuyển giới, tin rằng đó là một quyết định đúng với những trẻ ngay từ rất nhỏ đã thể hiện sự kiên định và niềm tin xuyên suốt về định dạng giới của mình.

"Khi trẻ khăng khăng thể hiện hành vi giới tính chéo và muốn trở thành người thuộc giới khác, muốn thay đổi các bộ phận cơ thể hay không hạnh phúc với cơ thể mình có, chúng ta có thể coi trẻ này sẽ tiếp tục có xu hướng xác định chuyển giới sau này", tiến sĩ Michelle Forcier, chuyên gia về nhi khoa tại Trường y, Đại học Brown (Mỹ), nói với Nbcnews.

Bà và các chuyên gia nhi khoa khác cho rằng, với những trẻ này, thường là tốt hơn nếu thay đổi sớm. "Điều tai hại nhất là không làm gì cả", bà Forcier nói. Theo bà, với trẻ nhỏ, việc chuyển giới không bao gồm phẫu thuật hay liệu pháp hoóc môn. Tại giai đoạn này, trước khi dậy thì, trẻ chuyển giới chỉ cần vài thay đổi về trang phục, diện mạo.

"Chúng ta để cho trẻ được là chính mình. Vì vậy, có thể để trẻ được cắt tóc và mặc quần áo, đi giày theo ý chúng muốn. Chúng có thể đeo trang sức hay chơi với trẻ mà mình thích và tham gia các hoạt động theo ý muốn. Chúng tôi gọi đó là sự chuyển đổi về mặt xã hội", chuyên gia này nói.
 
Theo Vương Linh (VnExpress.net)

Nổi bật