Thời kỳ giám hộ chỉ kéo dài đến ngày 21.12, khi có cuộc bầu cử vùng trước thời hạn do Madrid ấn định. Catalonia tạm mất quyền tự trị, các lãnh đạo vùng bị truất quyền, nhưng chưa có gì bảo đảm là những người chủ trương độc lập đã chịu khuất phục Madrid.
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và Orion Junqueras, nhân vật số 2 của vùng, đã tỏ cho người dân Catalonia thấy là họ không muốn chấp nhận bị truất quyền. Mặc dù cuối tuần rồi, hai ông đã kêu gọi mọi người phản kháng một cách ôn hòa, nhưng họ không đưa ra chỉ đạo hành động rõ ràng với những người ủng hộ độc lập.
Hiện tại 200.000 viên chức chính quyền Catalonia đang trong tình trạng chờ đợi. Nếu họ quyết định không chịu tuân thủ mệnh lệnh của Madrid, họ có thể bị trừng phạt hoặc thậm chí bị tư pháp khởi tố vì tội giống như trường hợp ông Carles Puigdemont có thể bị án 30 năm tù vì hành động nổi loạn.
Trong khi đó, một nhà báo hàng đầu Tây Ban Nha cho biết, quân đội nước này sẵn sàng can thiệp vào Catalonia nếu cần thiết. Ông Eduardo Inda, Tổng biên tập website tin tức OKDiaro.com và là chuyên gia nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các chương trình thời sự chính trị Tây Ban Nha, nói với đài La Sexta rằng, quân đội sẽ được huy động để bảo vệ các sân bay, bến cảng và các nhà máy điện hạt nhân nếu những cơ sở này bị đe dọa.
"Nếu tình hình vẫn yên ổn, quân đội sẽ không được triển khai. Nhưng nếu có nguy cơ nhỏ nhất nào đối với những cơ sở chiến lược như sân bay, cảng biển, nhà máy điện hạt nhân..., thì quân đội sẽ được triển khai để bảo vệ" - ông Inda nói.
Theo Ngọc Vân (Lao Động)