Không còn nghi ngờ gì, cuộc bỏ phiếu quyết định quyền độc lập của xứ Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng toàn diện, không chỉ ở khía cạnh chính trị - kinh tế, mà còn văn hóa, xã hội và thể thao.
Bất chấp số lượng hạn chế cử tri đi bỏ phiếu so với dự đoán ban đầu, các báo cáo cuối cùng cho thấy, tỉ lệ ủng hộ quyền độc lập cho Catalonia chiếm đa số. Phản ứng đầu tiên ở khối thị trường là việc đồng euro giảm 0,7% so với đồng USD trong thứ hai, và lợi tức trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha tăng lên. Thị trường chứng khoán chính tại Madrid vào thời điểm mở cửa giảm 1,4% trước khi tỉa lỗ.
Có một thực tế không thể phủ nhận: Mất Catalonia, Tây Ban Nha mất 1/5 nền kinh tế đất nước. Catalonia dẫn đầu tất cả các vùng sản xuất, với 25% lượng hàng xuất khẩu có nguồn gốc từ vùng đất này. Hơn thế, nó đóng góp thuế nhiều hơn bất kỳ vùng nào (chiếm 21% tổng số của cả nước) so với số tiền được cấp từ chính phủ.
Những người ủng hộ độc lập không bỏ qua yếu tố mất cân bằng này, lập luận rằng việc dừng chuyển tiền tới Madrid sẽ biến ngân sách của Catalonia từ thâm hụt thành thặng dư. Thực tế là, Catalonia vẫn là nơi thu hút đầu tư mạnh mẽ, với gần 1/3 các công ty nước ngoài chọn Barcelona làm nơi đặt trụ sở hoạt động. Catalonia có tổng sản phẩm quốc nội khoảng 215 tỉ euro (257 tỉ USD) - lớn nhất trong số các khu vực Tây Ban Nha và lớn hơn của Hy Lạp - nhưng nhiều hàng hoá của họ được cung cấp bởi Nhà nước Tây Ban Nha.
Cho đến nay, không một quốc gia hay cơ quan quốc tế nào bày tỏ ủng hộ cho một tuyên bố độc lập của chính quyền Catalonia, vì vậy, bất kỳ tuyên bố độc lập có thể bị từ chối ngay từ đầu. Trước đó, Liên minh Châu Âu khẳng định, ủng hộ Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, và nhấn mạnh rằng, Catalonia sẽ bị trục xuất khỏi khối và đồng tiền chung Châu Âu.
Động thái này sẽ khiến kinh tế Catalonia lâm vào cảnh khủng hoảng, đặc biệt ở khía cạnh du lịch. Thành phố Barcelona từ lâu nay vẫn luôn là một trong những điểm đến du lịch được yêu thích nhất ở Châu Âu. Barcelona không chỉ nổi tiếng là nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè 1992, mà còn là địa điểm tổ chức nhiều hội chợ thương mại, văn hóa, du lịch, và hiển nhiên không thể bỏ qua yếu tố thể thao với biểu tượng hàng đầu là CLB thể thao Barcelona, trong đó có đội bóng lừng danh Barcelona.
Cuộc trưng cầu dân ý là một chủ đề gây chia rẽ Tây Ban Nha, nhưng tại Catalonia, nó hầu như nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ những người hùng thể thao địa phương. Trong tuyên bố mới nhất bày tỏ quan điểm của mình, CLB Barcelona khẳng định: “FC Barcelona vẫn trung thành với cam kết lịch sử của mình về việc bảo vệ đất nước, dân chủ, tự do ngôn luận và tự quyết, lên án bất kỳ hành động nào cản trở việc thực hiện tự do các quyền này” - tuyên bố được đăng lên tài khoản Twitter chính thức của CLB, ngay sau khi chính quyền xứ Catalonia quyết định thực hiện cuộc bỏ phiếu quyết định quyền độc lập.
HLV Pep Guardiola của Manchester City (cựu HLV/cầu thủ Barcelona) cũng tham gia chiến dịch ủng hộ độc lập, công khai thể hiện sự ủng hộ của ông cho Catalonia trong các cuộc biểu tình ly khai. Tất nhiên, không phải ai cũng dễ dàng biểu lộ cảm xúc hay suy nghĩ của họ. Tay vợt nam số 1 thế giới Rafael Nadal chọn cách tiếp cận khác khi được hỏi về cuộc bầu cử sắp tới. “Tôi không thể tưởng tượng được Tây Ban Nha nếu không có Catalonia và Catalonia mà không có Tây Ban Nha. Tôi không muốn nhìn thấy điều đó” - Nadal nói tại một cuộc họp báo gần đây ở Prague.
Nadal còn bày tỏ hy vọng, các bên sẽ cùng nhau giải quyết mọi việc: “Chúng tôi không muốn đánh nhau, không muốn gặp rắc rối. Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ mạnh hơn và thịnh vượng hơn nếu đoàn kết cùng nhau”.
Theo Thành Lương (Lao Động)