Somsak Kaewsena, cảnh sát trưởng quận Wihandaeng cho biết ông cùng các sĩ quan đã đột kích vào một cơ sở tái chế trên địa bàn sau khi nhận được thông tin quần chúng về việc cơ sở này tái chế khẩu trang đã qua sử dụng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương phát hiện sáu công nhân đang phân loại khẩu trang đã qua sử dụng, giặt là rồi gấp lại cho vào hộp để bán như mới. Một công nhân khai báo rằng cơ sở nhận khẩu trang từ một nhà buôn trong vùng, do đó không biết nguồn gốc cụ thể ra sao.
"Các công nhân khai họ được trả 1 baht cho mỗi chiếc khẩu trang. Trung bình mỗi ngày mỗi người tái chế khoảng 300-400 khẩu trang," ông Somsak nói.
Lực lượng chức năng địa phương đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang tại cơ sở tái chế, gửi mẫu tới Bộ Thương mại Thái Lan để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.
"Tôi đã thông báo cho cơ quan y tế tại quận Wihandaeng để họ có thể phối hợp truy cứu trách nhiệm cơ sở tái chế, bởi hành vi vi phạm của cơ sở này gây ra nguy cơ đối với sức khỏe người dân mua phải khẩu trang đã qua sử dụng, đồng thời có tác động xấu tới cộng đồng gần nhà máy," ông Somsak nói thêm.
Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm khẩu trang, khi nhu cầu về mặt hàng này tăng cao trong cộng đồng do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Tính đến 03/03, nhà chức trách Thái Lan ghi nhận 43 trường hợp nhiễm bệnh tại nước này, trong đó một người đã tử vong.
Đa số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Thái Lan là du khách Trung Quốc và những người tiếp xúc gần với họ, theo The National.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)