Cảnh sát Quốc hội Mỹ thiệt mạng trong vụ bạo loạn

08/01/2021 13:35:04

Một cảnh sát Quốc hội Mỹ tử vong vào tối 07/01 vì vết thương gặp phải khi cố gắng đối phó với đám đông người biểu tình ủng hộ tổng thống Trump trước đó một ngày, theo báo chí Mỹ.

Sĩ quan Brian D. Sicknick tử vong vào lúc 21 giờ 30 hôm 07/01, Cảnh sát Quốc hội Mỹ thông báo. Sicknick đã công tác tại đơn vị này từ năm 2008.

Sĩ quan cảnh sát Sicknick được điều động đối phó với người biểu tình hôm 06/01 và "bị thương khi xô xát với người biểu tình," thông báo của Cảnh sát Quốc hội Mỹ cho biết, dù các quan chức không nêu rõ tình trạng chấn thương của anh, hoặc anh đã đối phó với đám đông như thế nào. Sau khi bị thương, Sicknick trở về văn phòng đơn vị, gục ngã và được đưa tới bệnh viện.

Cảnh sát Quốc hội Mỹ thiệt mạng trong vụ bạo loạn
Người biểu tình cố gắng vượt qua rào chắn của cảnh sát tại Đồi Capitol hôm 06/01 (Ảnh: AFP/Getty)

"Sở Cảnh sát Quốc hội Mỹ bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất với gia đình và bạn bè của Sĩ quan Sicknick về sự mất mát này, đồng thời tiếc thương sự mất mát một người bạn, một người đồng nghiệp," thông báo cho biết.

Trước đó, các hãng truyền thông đã đưa tin về cái chết của anh quá sớm, trong thời điểm anh vẫn được cấp cứu.

Điều tra viên chuyên về các vụ án giết người thuộc Sở cảnh sát Washington D.C. đã tham gia công tác điều tra, theo New York Times.

Ngoài Sicknick, bốn người khác đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 06/01. Ashli Babbitt, một cựu binh không quân Mỹ tham gia biểu tình với tư cách người ủng hộ ổng Trump, đã bị một sĩ quan cảnh sát nổ súng bắn chết trong tòa nhà Quốc hội. Ba người khác tử vong vì gặp phải "tình huống y tế khẩn cấp," các quan chức cho hay.

Giới chức cho biết khoảng 50 sĩ quan cảnh sát bị thương trong vụ việc khi họ cố gắng khống chế đám đông vượt qua rào chắn, ném nhiều vật thể, phá cửa sổ và cửa ra vào của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Nhiều cảnh sát bị kéo vào đám đông hoặc bị ném các vật thể vào mặt.

Cảnh sát Quốc hội cho biết đã bắt giữ 14 người trong vụ bạo loạn, trong đó có hai người bị bắt vì tấn công cảnh sát. Lực lượng cảnh sát địa phương cũng đã bắt giữ hàng chục người khác, chủ yếu do đột nhập bất hợp pháp và vi phạm lệnh giới nghiêm đêm 06/01.

Steven Sund, trưởng đơn vị Cảnh sát Quốc hội Mỹ đã từ chức hôm 07/01 sau khi chịu sức ép từ các lãnh đạo quốc hội.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật