Các nhân chứng và phương tiện truyền thông đưa tin lực lượng an ninh Myanmar sử dụng đạn thật mà không cảnh báo trước ở một số thị trấn và thành phố.
"Họ tiến về phía chúng tôi, bắn hơi cay, sau đó vòng lại và dùng lựu đạn gây choáng. Họ không xịt vòi rồng, cũng không đưa ra cảnh báo giải tán mà sử dụng đạn thật" - thủ lĩnh biểu tình ở thị trấn Myingyan, Si Thu Maung, nói với Reuters.
Một phát ngôn viên của hội đồng quân sự Myanmar không trả lời điện thoại của Reuters.
Biên tập viên của báo Monywa Gazette, Ko Thit Sar, cho hay 1 thiếu niên đã thiệt mạng ở thị trấn Myingyan, trong khi thị trấn Monywa ghi nhận 5 trường hợp gồm 4 nam và 1 nữ thiệt mạng. "Chúng tôi đã xác nhận với các thành viên gia đình họ rằng 5 người chết. Ít nhất 30 người bị thương, một số người vẫn còn bất tỉnh" - ông Ko nói với Reuters.
Theo các nhân chứng khác, 2 người thiệt mạng ở TP Mandalay và 1 người thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng ở TP Yangon. Hãng tin Myanmar Now đưa tin lực lượng an ninh cũng bắt giữ 300 người biểu tình ở TP Yangon.
Nhà hoạt động dân chủ Esther Ze Naw tuyên bố với Reuters qua ứng dụng nhắn tin rằng sự hy sinh của những người biểu tình sẽ không vô ích. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến này và giành chiến thắng" - cô nhấn mạnh.
Reuters thống kê khoảng 31 người đã chết kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hôm 1-2. Quân đội tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc dập tắt làn sóng biểu tình chống đảo chính.
Hành động trên của lực lượng an ninh Myanmar xảy ra 1 ngày sau khi các ngoại trưởng từ các nước láng giềng Đông Nam Á kêu gọi kiềm chế.
Hôm 2-3, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không đạt được bước đột phá nào trong cuộc họp ngoại trưởng trực tuyến về tình hình Myanmar. 4 thành viên Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi cùng những người bị bắt khác.
Riêng cựu Tổng thống Win Myint đang phải đối mặt với 2 tội danh mới, trong đó tội danh vi hiến có thể bị phạt tới 3 năm tù.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lên án cuộc đảo chính là một "bước thụt lùi bi thảm" đối với Myanmar và việc sử dụng vũ lực gây chết người là "thảm họa".
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)