Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, ba người con của cố lãnh đạo Lý Quang Diệu đã bị lôi kéo vào vụ lùm xùm liên quan đến việc tranh chấp tài sản thừa kế hồi năm 2017 với một bên là con trai cả của Thủ tướng Lý Hiển Long và bên kia là ông Lý Hiển Dương và em gái Lý Vỹ Linh.
Theo Bộ trưởng cấp cao Tiêu Chí Hiền, ban đầu vợ chồng ông Lý Hiển Dương đã đồng ý gặp gỡ với cảnh sát, tuy nhiên sau đó cả hai lại thay đổi quyết định và từ chối đến cuộc hẹn.
Theo ông Tiêu Chí Hiền, việc vợ chồng ông Lý Hiển Dương từ chối hợp tác với lực lượng cảnh sát đặt ra nhiều nghi vấn sau khi cả hai đã rời khỏi Singapore. Ông Tiêu là chủ tịch của một ủy ban cấp bộ được thành lập để giải quyết vấn đề trọng tâm trong tranh chấp của hai anh em: tương lai của ngôi nhà gỗ thế kỷ 19 mà Lý Quang Diệu đã gọi là nhà từ những năm 1940 cho đến khi ông qua đời ở tuổi 91 vào năm 2015.
"Nếu họ khẳng định bản thân vô tội, cuộc điều tra của cảnh sát sẽ cho họ cơ hội để chứng minh điều này", Bộ trưởng Tiêu Chí Hiền cho biết.
Sự bất hòa trong gia đình họ Lý bắt đầu sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015. Các tranh chấp chủ yếu xoay quanh việc thi hành di chúc của vị cố thủ tướng cùng quyết định phá dỡ tòa dinh thự ở số 38 đường Oxley. Đây là căn nhà mà ông Lý Quang Diệu đã sinh sống trong phần lớn cuộc đời.
Vào năm 2020, bà Suet Fern đã bị tước giấy phép hành nghề luật trong 15 tháng do hành xử sai quy tắc nghề nghiệp khi thực hiện di chúc của cố lãnh đạo Singapore. Bà Suet Fern phản đối hình phạt này.
Vụ lùm xùm giữa anh em Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trở thành chủ đề bàn tán ở quốc đảo nhỏ bé này khi Lý Hiển Dương và Lý Vĩ Linh chia sẻ một bài đăng dài trên Facebook cáo buộc anh trai họ là thủ tướng lạm dụng quyền hành pháp để bảo vệ ngôi nhà gỗ của gia đình, mà họ nói là do cha mình Lý Quang Diệu muốn phá bỏ.
Trước đó, ông Lý Quang Diệu cũng đã tuyên bố trước công chúng rằng ông ghê tởm cách mà ngôi nhà của các chính khách khác như thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru bị bỏ lại trong tình trạng “lộn xộn” sau khi chúng được chuyển đổi thành điểm du lịch.
Thủ tướng Lý sau đó đã ra trước quốc hội để bác bỏ các cáo buộc và đưa ra lời đảm bảo rằng ông đã tự rút lui khỏi quá trình ra quyết định của chính phủ về vấn đề này. Ông cũng cho biết chính phủ không có kế hoạch thay đổi hiện trạng trong thời gian tới.
Các quan chức được giao nhiệm vụ xem xét vấn đề vào năm 2018 cho biết phá hủy hoàn toàn, bảo tồn hoàn toàn ngôi nhà như một di tích quốc gia và bảo tồn một phần phòng ăn ở tầng hầm là ba lựa chọn mà chính phủ trong tương lai có thể xem xét trước khi đưa đến quyết định cuối cùng.
Theo SCMP, tầng hầm của ngôi nhà được coi là nơi ra đời của Đảng Hành động Nhân dân do cố lãnh đạo Lý Quang Diệu đồng sáng lập và điều hành Singapore kể từ năm 1959.
QT (Nguoiduatin.vn)