Những ngày vừa qua, Indonesia đang phải gồng mình chống lại cơn bão nhiệt đới Seroja được nhận xét có sức tàn phá mạnh kỷ lục chưa từng thấy trong nhiều năm. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cho biết, đỉnh điểm vào ngày 5/4, khi bão này đổ bộ vào tỉnh Đông Nusa Tenggara đã gây ra mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, sóng biển dâng cao bất thường, có lúc đạt tới hơn 6m.
Ngay sau khi chứng kiến "cơn cuồng nộ" của bão nhiệt đới Seroja, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định di dời các khu dân cư bị ảnh hưởng đến những nơi an toàn hơn. Được biết, số người thiệt mạng đến hiện tại đã là 174 người, vẫn còn hàng chục người mất tích đang được tìm kiếm dưới đống đổ nát. Hàng ngàn người dân Indonesia rơi vào cảnh mất nhà, mất người thân khi nhiều nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng nước lớn.
Đêm Chủ nhật (4/4), chị Linda Tagie, 29 tuổi, sống tại Sikumana, Kupang, tỉnh Đông Nusa Tenggara đặt đứa con ba tuổi của mình trên giường, ngỡ ngàng với cơn cuồng phong dữ dội cùng mưa lớn như trút nước ở bên ngoài. Điện cũng đột ngột bị cắt. "Tôi đã cầu nguyện trong bóng tối". Gió ngớt vào sáng thứ Hai nhưng khi bước ra khỏi nhà, cô thấy mái nhà đã bị bay đi một phần, cáp điện, mái tôn và cây cối đổ gãy, nằm hỗn độn ở khắp mọi nơi. Xác trâu bò chết nằm la liệt trên đường, cánh đồng lúa ngập ngụa trong nước.
Nhiều người dân Kupang hoảng loạn tìm cách sơ tán, bất lực nhìn nhà mình bị san phẳng bởi cơn bão nhiệt đới Seroja. Đường làng bùn lầy, cây đổ chắn ngang khiến lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên không thể tiếp cận để hỗ trợ. Những hình ảnh đổ nát, hoang tàn sau khi người dân quốc đảo hứng chịu bão lớn khiến ai nấy xót xa.
Cơn bão Seroja quét qua Indonesia gây mưa lớn, gió giật mạnh |
Diễn đàn Môi trường Indonesia là Walhi cho biết, ngoài lý do về việc tỉnh này thường hay gặp phải mưa bão do ảnh hưởng của vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, các vấn đề môi trường như phá đất rừng, trồng mía, khai thác mỏ và khai thác gỗ trái phép... chính là nguyên do của những hiện tượng thời tiết cực đoan đáng lo ngại vài năm gần đây.
Công ty điện lực nhà nước cho biết trận lốc xoáy đã làm hư hỏng các cột điện và dây cáp mạng, và việc khôi phục điện của tỉnh có thể mất một tháng. Nến và máy phát điện đã bán hết. Toàn tỉnh đang rơi vào cảnh thiếu nước, thiếu lương thực, bị cắt điện và mạng Internet khiến họ không thể liên lạc với gia đình.
Những người dân bị ảnh hưởng sau bão đã kêu gọi chính quyền địa phương giúp họ tái xây dựng lại. Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm tỉnh này hôm thứ Sáu, cho biết sẽ hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa.
Theo P.H (Doanh nghiệp & Tiếp thị)