Các nhà khoa học vừa cảnh báo sự nóng lên toàn cầu có thể biến Trái Đất trở thành một nhà kính nóng, đe dọa môi trường sống của con người, tờ USA Today đưa tin.
Theo nghiên cứ mới được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, sự nóng lên toàn cầu có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ.
Bài nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trung tâm Resilience Stockholm, Thụy Điển, Đại học Quốc gia Úc và các viện nghiên cứu khác.
Ngay cả khi khí thải carbon được cắt giảm theo như thỏa thuận Paris (nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 3,6 độ so với mức tiền công nghiệp), một sự nóng lên không thể kiểm soát vẫn có thể xảy ra.
Nghiên cứu viết rằng viễn cảnh Trái Đất trở thành nhà kính nóng gần như chắc chắn sẽ khiến lũ sông dâng cao, gia tăng sức mạnh của bão ven biển, xóa bỏ rạn san hô,… vào cuối thế kỷ này hoặc sớm hơn.
Người đứng đầu nghiên cứu, ông Will Stefen cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự ấm lên toàn cầu 3,6 độ do con người gây ra có thể tạo nên nhiều tiến trình thay đổi hệ thống Trái Đất, thường được gọi là "phản ứng", có thể làm nóng lên nữa - ngay cả khi chúng ta ngừng phát ra khí nhà kính”.
Các “phản ứng” của Trái Đất bao gồm thải khí metan từ các tảng băng tan, mất lớp tuyết bao phủ ở Bắc bán cầu, mất băng trong mùa hè ở Bắc cực, và giảm đáng kể lượng băng ở Nam Cực.
Steffen nói thêm những “phản ứng” kiểu này có thể sẽ không thể đảo ngược hay suy giảm.
"Các yếu tố này có thể hoạt động như một dãy domino", nhà khoa học Johan Rockstrom thuộc Trung tâm Resilience Stockholm, viện nghiên cứu độc lập về phát triển bền vững và vấn đề môi trường, cho biết.
"Việc ngăn cản dãy dimono này đổ có thể rất khó khăn hoặc không thể. Nhiều nơi trên Trái Đất sẽ trở nên không thể sinh sống được nếu viễn cảnh nhà kính trở thành hiện thực", ông nói.
Để ngăn chặn Trái Đất biến thành nhà kính, có rất nhiều điều cần làm: Phi carbon hóa nền kinh tế thế giới, chấm dứt phá rừng, cải thiện kỹ thuật canh tác và thúc đẩy công nghệ thu carbon… Nhưng đây hầu hết đều là những thứ “nói dễ hơn làm”, theo USA Today.
Các mục tiêu này chỉ có thể "đạt được và duy trì bởi một nỗ lực phối hợp và chủ động của xã hội loài người trong việc quản lý mối quan hệ của chúng ta với phần còn lại của hệ thống Trái Đất”, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu.
"Nhân loại hiện cần phải đưa ra những quyết định và hành động quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta trong nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ”.
Theo Trà My (Dân Việt)