Tới trưa 17/6, tình hình biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã trở lại ổn định sau vụ đụng độ giữa binh lính hai nước làm hàng chục người thương vong đêm 15/6. Theo các nguồn tin quân sự của Ấn Độ, binh lính hai bên đã trở về vị trí cũ tại thung lũng Galwan, dọc theo đường Kiểm soát Thực tế ở vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ.
Hai bên cảnh giác cao độ
Binh lính hai bên không còn có các hành vi gây hấn, khiêu khích. Tuy nhiên, sự cảnh giác cao độ là điều thấy rõ. Ngay sau vụ việc căng thẳng này, sáng 17/6 bang Himachal Pradesh của Ấn Độ một địa phương khác có chung biên giới với Trung Quốc đã phải đưa ra cảnh báo về an ninh và áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn đề phòng vụ việc tương tự.
Động thái mới của bang này được áp dụng tại hai quận Kinnaur và Lahaul-Spiti, những nơi giáp lãnh thổ Trung Quốc. Cảnh báo mới nhằm đảm bảo an ninh cho cộng đồng cư dân địa phương, cũng như thu thập thông tin tình báo để đề phòng trường hợp xảy ra bạo lực trong tương lai.
Tất cả các đơn vị cảnh sát tại bang Himachal Pradesh cũng được tăng cường mức báo động lên cao hơn. Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang duy trì ít nhất là 2 cuộc họp của sỹ quan quân đội hai bên nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình, rút quân và tránh đối đầu. Hôm qua, hai bên vẫn tiếp tục đàm phán bất chấp vụ việc xung đột làm hàng chục binh sỹ thương vong. Đây là hy vọng duy nhất của cả Ấn Độ và Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp tại biên giới.
Ấn Độ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc?
Các chuyên gia phân tích cho rằng, vụ đụng độ này là kết quả của một quá trình gia tăng căng thẳng ở biên giới hai nước, đặc biệt đây có thể là một phương án để răn đe phía Ấn Độ.
Trung Quốc mấy năm qua đang siết chặt chiến lược với Tây Tạng, vùng đất quan trọng giáp với Ấn Độ. Những động thái gia cố và xây cất hệ thống hạ tầng dọc đường LAC tại hai bang là Ladakh và Arunachal Pradesh của Ấn Độ gần đây khiến Bắc Kinh khó chịu. Hệ thống đường xá này giúp cải thiện khả năng cơ động của quân đội Ấn Độ và đảm bảo an ninh tốt hơn. Đó là lý do khiến Trung Quốc đã điều động quân đội tới đây để răn đe, ngăn chặn Ấn Độ tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng dọc biên giới.
Vụ đụng độ chết người ngày 15/6 đang gây áp lực lên Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi. Đảng Quốc đại đối lập sáng 17/6 đã lên tiếng đòi Thủ tướng Modi phải có tuyên bố chính thức về căng thẳng kéo dài hơn 1 tháng qua với Trung Quốc. Họ cũng đòi xem xét lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Nhận định của giới quan sát đều cho rằng, tình hình biên giới Ấn –Trung vẫn hết sức căng thẳng, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên muốn hạ nhiệt, bởi vụ đụng độ vừa qua là lời nhắc nhở cho cả hai phía rằng hậu quả sẽ như thế nào một khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Khả năng xảy ra một cuộc giao tranh lớn hơn vẫn khá thấp. Tuy nhiên, vụ việc vừa qua có thể là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt để Ấn Độ xem xét lại cách tiếp cận với Trung Quốc, đặc biệt trước sức ép dư luận. Ấn Độ có thể sẽ có cứng rắn hơn, hay hợp tác chặt chẽ với các cường quốc khác để kiềm chế Trung Quốc.
Theo Phan Tùng (Vov.vn)