Căng thẳng biên giới nguy cơ đẩy Trung - Ấn vào chiến tranh

08/09/2020 14:47:48

Các chuyên gia cảnh báo, căng thẳng quân sự kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc đường biên giới tranh chấp có thể khiến hai nước vô tình trượt vào chiến tranh.

Trong 45 năm qua, nhờ một loạt các thỏa thuận mà Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì được tình trạng đình chiến dọc theo biên giới ở rìa phía đông của vùng Kashmir thuộc dãy Himalaya.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn AP, các cuộc đụng độ và hành động của hai nước trong vài tháng trở lại đây đã khiến tình hình trở nên khó lường, làm tăng nguy cơ chỉ một tính toán sai lầm cũng sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Căng thẳng biên giới nguy cơ đẩy Trung - Ấn vào chiến tranh
Binh lính đứng gác ở Ladakh phía Ấn Độ. Ảnh. Ảnh: PTI

"Tình hình ở thực địa hiện rất nguy hiểm và có thể diễn tiến vượt khỏi tầm kiểm soát. Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc liệu hai nước có thể kiểm soát được tình hình biến động và đảm bảo nó sẽ không lan sang các khu vực khác hay không", AP dẫn bình luận của Trung tướng DS Hooda, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Bắc của quân đội Ấn Độ từ năm 2014 đến 2016.

Hai nước châu Á đã tổ chức một số vòng đối thoại nhưng đến nay chưa đạt kết quả. Trong một dấu hiệu cho thấy đàm phán đang chuyển sang cấp độ chính trị, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã gặp nhau ở thủ đô của Nga hôm 4/9 nhằm khơi thông bế tắc. Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra ở vùng Ladakh 4 tháng trước.

Tuần vừa qua, hai nước có đường biên giới chung dài hàng nghìn kilômét này tố cáo nhau có những hành động khiêu khích mới, trong đó có cáo buộc binh lính vượt biên sang lãnh thổ của nhau. Ấn Độ tuyên bố binh sĩ nước này 2 lần ngăn chặn các động thái "khiêu khích" của quân đội Trung Quốc trong tuần trước. Phía Bắc Kinh thì nói, lính Ấn Độ vượt qua các đường kiểm soát đã được thiết lập và gây khiêu khích dọc biên giới.

Căng thẳng bùng phát lần đầu hồi tháng 5, với một cuộc ẩu đả giữa binh lính hai nước. Tình hình leo thang nghiêm trọng trong tháng 6, khi hai bên dùng gậy, đá và nắm đấm để tấn công nhau. 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Phía Trung Quốc không đưa ra thông tin về thương vong.

Trung tướng Hooda cho biết, ông không nghĩ một trong hai đang muốn một cuộc chiến tranh toàn diện nhưng phá vỡ các thỏa thuận và giao ước hiện có sẽ là "tai họa thực sự".

Còn Wang Lian, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Peking ở Bắc Kinh, nhận định khả năng chiến tranh công khai là rất khó xảy ra, vì hai bên đều tỏ ra kiềm chế trong những lần đụng độ gần đây. Tuy nhiên, ông cho rằng New Delhi đang chịu áp lực rất lớn từ tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ. 

"Tôi không nghĩ (Ấn Độ) sẽ tiến xa hơn tới mức leo thang xung đột quân sự quy mô lớn, nhưng tôi tin hai nước đều đang có một số sự chuẩn bị", ông Wang nói.

Ấn Độ và Trung Quốc có đường biên giới dài 3.500km chưa phân định, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), kéo dài từ vùng Ladakh ở phía bắc đến bang Sikkim của Ấn Độ. Năm 1962, chiến tranh biên giới giữa hai nước từng nổ ra và kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến. Kể từ đó, binh lính hai nước đã tuần tra và bảo vệ các khu vực biên giới chưa phân định, theo các nghị định thư được đôi bên nhất trí, bao gồm không sử dụng súng chống lại nhau.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng Rahul Bedi cho rằng, Ấn Độ đã thay đổi các quy tắc ràng buộc dọc biên giới sau vụ đụng độ chết người hồi tháng 6. Ông nói rằng, các tư lệnh địa phương được cho phép "tự do thực hiện sự đáp trả tương xứng và đầy đủ đối với bất kỳ hành động thù địch nào" của đối phương.

Theo AP, các thành viên trong cộng đồng chiến lược của Ấn Độ, bao gồm nhiều nhà phân tích quốc phòng và tướng lĩnh đã về hưu, cho rằng quân đội Trung Quốc đang mở các mặt trận mới, làm trầm trọng thêm sự ngờ vực và trì hoãn rút quân trước mùa đông, khi nhiệt độ trong khu vực có thể xuống tới -50 độ C. Họ lập luận, chi phí triển khai binh lính trong suốt mùa đông sẽ tiêu tốn của Ấn Độ một khoản tiền lớn, trong bối cảnh bức tranh kinh tế nước này đang rất u ám vì đại dịch Covid-19.

Một vấn đề khác nữa với Ấn Độ là cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên qua với nước láng giềng Pakistan về vùng Kashmir. Các nhà hoạch định chính sách quân sự của Ấn Độ lo ngại, nếu một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra giữa nước này và Trung Quốc, Islamabad có thể dành sự ủng hộ cho Bắc Kinh, khiến tình hình càng nguy hiểm cho New Delhi.

Theo Thanh Hảo (VietNamNet)

Nổi bật