Nếu đứng trong đó đủ lâu, bạn bắt đầu nghe thấy tiếng nhịp tim của mình. Tiếng ù trong tai bỗng trở nên chói tai đáng sợ. Khi di chuyển, xương khớp bạn phát ra những tiếng nghiến ghê rợn. Cuối cùng, bạn sẽ mất thăng bằng, bởi sự thiếu âm thanh tuyệt đối sẽ phá hoại nhận thức về không gian của con người.
Trong căn phòng đó tại trụ sở chính của Microsoft ở Redmond, bang Washington (Mỹ), tất cả âm thanh từ thế giới bên ngoài đều bị chặn lại và bất kỳ âm thanh nào tạo ra bên trong cũng bị khóa chặt. Nó được gọi là buồng "không dội âm", bởi vì nơi này không tạo ra bất kỳ tiếng vọng nào cả - khiến âm thanh của tiếng vỗ tay trở nên hết sức kỳ lạ.
Tiếng ồn nền trong phòng thấp đến mức đạt ngưỡng thấp nhất mà các nhà toán học lý thuyết có thể tiếp cận, gọi là độ không tuyệt đối của âm thanh. Đó là nơi yên tĩnh nhất thế giới.
Sự im lặng đến… điếc tai
Căn phòng không dội âm cung cấp một trải nghiệm cảm giác rất hiếm có. Hundraj Gopal, nhà khoa học về thính giác và là nhà thiết kế chính của buồng chống dội âm tại Microsoft, viết: “Ngay khi bước vào phòng, người ta ngay lập tức cảm thấy một cảm giác kỳ lạ và độc đáo khó diễn tả. Hầu hết mọi người đều thấy rằng không có âm thanh chói tai, nhưng vẫn cảm thấy đầy tai hoặc như có một số tiếng chuông. Những âm thanh rất nhỏ trở nên rõ ràng vì tiếng ồn xung quanh đặc biệt thấp. Khi quay đầu lại, bạn có thể nghe thấy chuyển động của cổ. Bạn có thể nghe thấy tiếng thở của chính mình và nó có vẻ hơi lớn”.
Chuyên gia Gopal giải thích, trong thế giới thực, tai của chúng ta thường xuyên chịu một số mức độ âm thanh, do đó luôn có áp suất không khí tác động lên trống tai. Nhưng khi bước vào phòng không dội âm, áp suất không khí liên tục này sẽ biến mất, vì không có phản xạ âm thanh từ các bức tường xung quanh. “Đây là một trải nghiệm mới lạ,” ông Gopal viết.
Củ hành bê tông
Để đạt được sự yên tĩnh đến tột độ, căn phòng của Microsoft được thiết kế với cấu trúc giống như củ hành, cô lập nó hoàn toàn với phần còn lại của tòa nhà và thế giới bên ngoài.
Nó được làm bằng sáu lớp bê tông và thép, nằm tách rời khỏi tòa nhà bởi vì nó được đặt trên đỉnh một dãy lò xo giảm rung. Bên trong, các nêm bằng sợi thủy tinh được gắn khắp xung quanh sàn, trần và tường để phá vỡ sóng âm thanh trước khi chúng có cơ hội phản xạ trở lại phòng. Bản thân sàn nhà chỉ đơn giản là một hệ lưới cáp treo hấp thụ âm thanh.
Vỏ ngoài sang trọng, với thiết kế tương lai, cung cấp tầm nhìn hoàn hảo nhìn ra bầu trời sa mạc.
Ông Gopal xác nhận: “Việc thiết kế, lập kế hoạch và xây dựng căn phòng mất hơn một năm rưỡi. Tôi cần một vị trí đẹp trong khuôn viên, nơi mức độ tiếng ồn đo được bên trong tòa nhà ở mức thấp. Tôi đã lên kế hoạch cho phần nội thất tòa nhà để có thể đặt căn phòng sau 6 lớp cách âm".
“Chúng tôi đã xây dựng tường bê tông đặc biệt dày 30cm bao quanh buồng để chặn âm thanh triệt để hơn nữa. Chúng tôi đã chú ý cẩn thận đến từng chi tiết có thể dẫn âm thanh từ bên ngoài vào bên trong buồng, chẳng hạn như cách ly các đường ống cấp nước phun và cảm biến báo cháy; hoặc lót các ống dẫn khí bằng vật liệu hấp thụ âm thanh bổ sung” - chuyên gia Gopal cho biết thêm.
Kết quả cuối cùng, độ ồn đo được bên trong căn phòng yên tĩnh nhất là -20,3dBA. Điều này có nghĩa là tiếng ồn xung quanh buồng thấp hơn ngưỡng nghe của con người là 20,3dB (decibel). Để so sánh, một trong những âm thanh yên tĩnh nhất có thể nghe thấy trong một căn phòng yên tĩnh, nhịp thở êm đềm, là ở mức 10dB.
Kỷ lục thế giới
Phòng chống dội âm của Microsoft đã được đăng ký trong sách Kỷ lục Guinness Thế giới là nơi yên tĩnh nhất thế giới. Danh hiệu này từng trao cho một căn phòng im lặng tương tự tại Phòng Thí nghiệm Orfield ở Minneapolis, Mỹ. Nhưng không giống như của Microsoft, căn phòng đó mở cửa cho công chúng, biến nó thành một điểm thu hút khách du lịch nhỏ.
Các chuyên gia ở Orfield Lab khẳng định rằng chỉ ngồi ở căn phòng của họ trong 45 phút, bạn có thể bị "hóa điên". YouTuber người Anh Callux đã quyết định tham gia thử thách và khẳng định đó là một trải nghiệm "kinh hoàng".
"Chúng tôi nhận được hàng nghìn yêu cầu. Công chúng đến thăm phòng từ khắp nơi trên thế giới hầu như mỗi tuần và họ luôn hào hứng với trải nghiệm này. Không có phản ứng hoài nghi, vì đây chỉ đơn giản là một trải nghiệm cơ thể và không có gì để học hỏi hay tin cả”, ông Steve Orfield, người đã xây dựng phòng thí nghiệm Orfield và phòng chống dội âm của riêng mình trong tòa nhà Studio 80, vốn là một phòng thu nổi tiếng, cho biết.
Theo Orfield, trải nghiệm ở căn phòng yên tĩnh tại Mỹ phần nào bị ảnh hưởng bởi khi đến từ một môi trường ồn ào, sẽ khiến bạn khó cảm nhận được đầy đủ sự yên tĩnh. Chất lượng thính giác của một người cũng có liên quan: càng lớn tuổi, ta càng khó thích nghi và cảm nhận hết được sự yên tĩnh.
Trong khi đó, chuyên gia Gopal khuyên nên tắt đèn khi trải nghiệm phòng im lặng. "Hầu hết các trải nghiệm của sự thiếu hụt cảm giác nên bao gồm tắt tất cả ánh sáng để bạn ở trong sự yên tĩnh cả về âm thanh và thị giác, không có tiếng ồn cảm giác. Trong trường hợp này, đi bộ xung quanh phòng sẽ khiến hầu hết mọi người mất thăng bằng sau một thời gian ngắn."
Ông Steve Orfield, người đã thực hiện nghiên cứu về tác động của tiếng ồn ở những người mắc các bệnh thoái hóa như mất trí nhớ, lưu ý rằng những du khách mắc chứng tự kỷ, ADHD và các khuyết tật khác về lo lắng và siêu nhạy cảm, lại có xu hướng thấy căn phòng yên tĩnh và thanh bình.
Phòng im lặng dùng làm gì?
Phòng chống dội âm thường được sử dụng để kiểm tra tiếng ồn và âm thanh phát ra từ nhiều loại sản phẩm với độ tin cậy khoa học cao.
Microsoft sử dụng nó cho các thiết bị âm thanh như micro, bộ thu, tai nghe và loa hoặc để phân tích tiếng nhấp và tiếng ồn từ các thiết bị máy tính như bàn phím, chuột, quạt và mô-đun đèn nền trên bảng cảm ứng và màn hình. Trong số các sản phẩm được hưởng lợi từ căn buồng này là dòng máy tính bảng Surface, máy chơi game Xbox và kính HoloLens VR. Ngoài ra còn có những phần mềm mà thành phần âm thanh chiếm ưu thế, như Skype và trợ lý ảo Cortana.
Trong khi đó, vì phòng yên tĩnh tại Orfield Labs là phòng duy nhất được công nhận là phòng thí nghiệm độc lập ở Mỹ, nó còn thu hút nhiều loại hình kinh doanh và sản phẩm hơn nữa như máy khử rung tim y tế, máy theo dõi ngưng thở khi ngủ, máy trợ thính, van tim, thiết bị phụ tùng ô tô, máy tính và ổ cứng.
Bất chấp những lời đồn đại, không có "kỷ lục thế giới" nào về thời gian ở trong phòng liên tục của một người và những thử thách như vậy không được khuyến khích, Tuy thế, Orfield cho biết ông nhận được nhiều yêu cầu từ những người muốn "phá kỷ lục".
Orfield viết: “Tôi đã dành khoảng 45 phút trong phòng, và vì tôi có van tim cơ học nên tôi luôn có thể nghe rõ”.
Chuyên gia Gopal tại Microsoft xác nhận: “Thời gian liên tục lâu nhất mà bất kỳ ai ở trong buồng là khoảng 55 phút. Tôi nhận thấy rằng có một số người có thể ở trong buồng trong 30 phút hoặc lâu hơn, trong khi những người khác đã yêu cầu ra ngoài trong vòng vài giây đầu tiên."
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)