Nếu đã đến thăm Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, bạn sẽ thấy một khu vực có tên là Phố Tô Châu, được mô phỏng theo thị trấn Tô Châu thuộc vùng Giang Nam - phía nam của hạ lưu sông Dương Tử.
Trong 60 năm ở ngôi Hoàng đế Đại Thanh, Càn Long (sinh 1711- mất 1799) đã thực hiện cả thảy 6 chuyến đi tới vùng Giang Nam. Không chỉ ấn tượng với non nước hữu tình của nơi này, Càn Long còn đặc biệt mê mệt ẩm thực Giang Nam nói chung và Tô Châu nói riêng.
Tháng 1 năm 1765 trong chuyến thăm thứ tư tới Giang Nam, khi đi ngang qua Tô Châu, và dùng bữa ở nơi này, Càn Long đã được thưởng thức một món ngon đặc biệt mà trước đó ông chưa từng thử qua. Đó là món Vịt hầm bát bảo.
Kể từ đó, “Vịt hầm bát bảo” trở thành một món ăn hoàng gia trong triều đình của Vua Càn Long. Các món ăn hoàng gia phục vụ trong triều đại nhà Thanh, như “Vịt hầm bát bảo” vốn được coi là đỉnh cao của ẩm thực Trung Quốc.
Nghiên cứu chi tiết các món ăn chế biến cho các thế hệ Hoàng gia chắc chắn là một trong những cách để hiểu lịch sử hàng ngàn năm ẩm thực Trung Hoa. Ngày nay, không khó để tìm thấy món ăn nổi tiếng này trong thực đơn tại một số nhà hàng hàng đầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thời đại mà văn hóa đồ ăn nhanh lên ngôi, rất ít nhà hàng Trung Quốc tiếp tục nấu món “Vịt hầm bát bảo” theo cách truyền thống. Bởi nếu thực hiện theo Phương pháp cổ truyền, món “Vịt hầm bát bảo” phải mất ít nhất năm giờ từ khâu chuẩn bị cho tới khi hoàn thành.
Thử thách đầu tiên đối với đầu bếp, khi làm món “Vịt hầm bát bảo” là phải rút toàn bộ xương vịt trong khi vẫn đảm bảo được hình dáng và bộ da vịt nguyên vẹn. Sau đó, toàn bộ nội tạng của vịt được loại bỏ để lấy chỗ chứa 8 nguyên liệu tạo nên sự đặt biệt của món “Vịt hầm bát bảo”
Đúng như tên gọi, món “Vịt hầm bát bảo” bao gồm tám nguyên liệu khác nhau: măng non, sò điệp khô, gạo nếp, thịt lợn băm, nấm Quan thoại, hạt trộn, hạt dẻ và mề vịt - tất cả đều được ướp gia vị và nấu chín trước .
Đầu bếp sau đó sẽ nhồi hỗn hợp 8 nguyên liệu nêu trên vào bên trong con vịt, khâu kín lại, rồi đem vịt chiên giòn. Vịt chiên, để nguội, sau đó sẽ hầm trong dung dịch đặc biệt (gồm xương vịt, măng và gừng) khoảng 90 phút cho đến khi món nhồi đã ngấm hoàn toàn và thịt vịt mềm.
Theo Đông y, món “Vịt hầm bát bảo” có công dụng thanh nhiệt giải độc, tư âm giáng hỏa. Đặc biệt có hiệu quả đối với các bệnh sốt, sởi, trừ khử thử nhiệt, đại tiện táo, họng khô miệng khát, ra mồ hôi trộm, phù nề, nam giới di tinh…
Với việc thường xuyên dùng món ăn khoái khẩu “Vịt hầm bát bảo”, quả không ngạc nhiên khi Càn Long ở ngôi tới 60 năm và là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất (88 tuổi) trong lịch sử Trung Quốc.
THANH XUÂN (SHTT)