Căn bệnh nhiễm độc chì góp phần làm đế chế La Mã diệt vong

05/06/2016 06:06:00

“Đế chế La Mã cổ đã bị đầu độc bởi chì”, các nhà độc chất học người Mỹ và Canada phát hiện các hợp chất của chì là nguyên nhân gây bệnh ngộ độc kinh niên và chết yểu trong giới quyền quý La Mã.

“Đế chế La Mã cổ đã bị đầu độc bởi chì”, các nhà độc chất học người Mỹ và Canada phát hiện các hợp chất của chì là nguyên nhân gây bệnh ngộ độc kinh niên và chết yểu trong giới quyền quý La Mã.
 

Chì là kim loại rất độc khi vào cơ thể người có thể gây nhiễm độc kinh niên. Ảnh: IB Times.

Theo IB Times, lịch sử của đế chế La Mã, hay còn gọi là đế quốc Roma, trải dài qua 16 thế kỷ. Các sử gia cho rằng đế chế này bắt đầu từ năm 27 trước Công nguyên và có nhiều mốc kết thúc khác nhau, bao gồm sự phân chia cuối cùng thành Tây La Mã và Đông La Mã vào năm 395, sự diệt vong của đế quốc Tây La Mã năm 476 và Đông La Mã năm 1453. Đây từng là một đế quốc rộng lớn trải khắp phần đất của những nước vây quanh Địa Trung Hải ngày nay.

Hai thế kỷ đầu của đế quốc ghi dấu với nền Thái Bình La Mã là giai đoạn hòa bình thịnh trị chưa từng thấy. Sự mở rộng cương thổ của La Mã bắt đầu từ thời Cộng hòa, đạt tới cực đỉnh vào thời hoàng đế Traianus. Thời ấy đế quốc La Mã kiểm soát gần 6,5 triệu km2 đất đai. Vì sự rộng lớn và bền vững dài lâu nên những thể chế và văn hóa của đế quốc La Mã ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự phát triển của ngôn ngữ, tôn giáo, kiến trúc, triết học, luật pháp trong những vùng cai trị, đặc biệt là châu Âu rồi tỏa ra khắp thế giới.

"Hùng cường là vậy nhưng tại sao đế chế La Mã lại diệt vong?", câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều người và các nhà nghiên cứu đã tiên phong đi tìm lời giải đáp. Họ phát hiện ra rằng bên cạnh những nguyên nhân về chính trị, kinh tế, xã hội thì còn một căn bệnh vô cùng đáng sợ đã góp phần không nhỏ đưa đến sự sụp đổ của đế quốc hùng cường này. "Đế chế La Mã cổ xưa đã bị đầu độc bằng chì", các nhà độc chất học người Mỹ và Canada đi đến kết luận như vậy sau một thời gian dài nghiêu cứu. 

Tất cả hợp chất dễ hòa tan của chì đều độc. Các nhà khoa học tin rằng thói quen và sở thích sử dụng chì cũng như oxit chì làm nguyên liệu sản xuất dụng cụ đựng như bình, cốc, chén và các mỹ phẩm chứa hợp chất chì đã dẫn đến bệnh ngộ độc kinh niên và chết yểu của giới quyền quý La Mã. Hơn nữa, người La Mã dùng nước ăn uống có chứa nhiều khí cacbonic, khi phản ứng với chì trong dụng cụ đựng sẽ tạo thành chì cacbonat dễ hòa tan trong nước. Chì đi vào cơ thể người dù với lượng rất nhỏ đều bị giữ lại và thay thế dần canxi trong xương, từ đó đó dẫn đến nhiều chứng bệnh kinh niên nguy hiểm do ngộ độc kim loại.

Ngày nay các nhà nghiên cứu nhìn nhận sự suy tàn của một đế chế bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa về mặt chính trị, xã hội, kinh tế nhưng không thể phủ nhận một phần "lỗi" của thứ kim loại vô cùng độc hại đó là chì. Lập luận này càng được khẳng định rõ ràng hơn sau khi các nhà khoa học Mỹ khai quật và phát hiện hài cốt của người La Mã cổ đại chứa một lượng chì lớn bất thường.

Lịch sử ghi chép rằng: Nhiều hoàng đế cai trị La Mã trong vài thế kỷ đầu của công nguyên, tức là ở thời kỳ tồn tại cuối cùng của đế chế này, đã mắc chứng bệnh tâm thần nào đó. Tuổi thọ trung bình của các ông trưởng thị tộc thời ấy thường không quá 25. Người dân nước này thuộc các đẳng cấp thấp thì bị nhiễm độc chì ở mức độ ít hơn vì họ không có cốc chén bằng chì đắt tiền và không dùng mỹ phẩm. Tuy nhiên họ cũng sử dụng ống dẫn nước do những người nô lệ La Mã làm ra, các ống đó đều được làm bằng chì nên cũng bị nhiễm độc. 

"Con người chết dần chết mòn, đế chế thì quặt quẹo, đó là hệ lụy của một quá trình suy thoái. Dù sao cũng không thể phủ nhận sự thật là căn bệnh nhiễm độc chì đã góp phần không nhỏ làm suy tàn đế quốc La Mã hùng mạnh", các nhà nghiên cứu kết luận. 

Theo Minh Đức - Thi Trân (VnExpress.net)