Tiến sĩ Sok Touch - người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia có nhiệm vụ đối chiếu việc cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia nói rằng ngoài sự ủng hộ chung từ cộng đồng, ông cũng bị quấy rối qua Facebook và nhiều phương tiện khác.
"Từ khi bắt đầu công việc nghiên cứu vấn đề biên giới, tôi đã phải hứng chịu nhiều sự xúc phạm" - ông Toch nói hôm 30/8.
|
Tiến sĩ Sok Touch - trưởng nhóm đối chiếu bản đồ phân định biên giới Campuchia-Việt Nam. Ảnh: Phnom Penh Post
|
Theo Phnom Penh Post, bất chấp những cáo buộc vô căn cứ từ đảng đối lập (CNRP) về tỷ lệ các bản đồ mà Chính phủ nước này sử dụng để phân định biên giới, nhóm nghiên cứu của ông Touch khẳng định phần lớn bản đồ mà CNRP thu thập được "không có gì khác nhau".
Klot Thida - Giám đốc Học viện Hoàng gia Campuchia - tỏ ra "quan ngại sâu sắc" đối với những đe dọa nhằm vào nhóm của ông Sok Touch, nhưng tuyên bố việc nghiên cứu sẽ được tiếp tục.
Ông Thida cũng cho biết sẽ triệu tập cuộc họp với nhóm nghiên cứu của ông Touch để thảo luận các vấn đề đang diễn ra.
Trong khi đó, Koy Pisey - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia của Campuchia - cho biết chính bà cũng là nạn nhân của những lời đe dọa công khai trên mạng xã hội. Bà Pisey bày tỏ hy vọng Chính phủ có hành động thiết thực nhằm ngăn chặn những hành vi quấy rối như trên.
Gần đây, các nghị sỹ của phe đối lập Campuchia thường xuyên chỉ trích Chính phủ thực hiện việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia không đúng quy định.
Campuchia đã tổ chức họp báo hôm 20/8 để so sánh bản đồ mượn từ Liên Hợp Quốc với bản đồ nước này đang sử dụng, nhằm bác bỏ các luận điệu sai trái cho rằng Chính phủ Hoàng gia Campuchia sử dụng bản đồ không đúng trong phân giới cắm mốc trên đất liền với Việt Nam.
Đối chiếu giữa tấm bản đồ mượn của Liên Hợp Quốc và bản đồ của Chính phủ Campuchia, kết quả xác thực những tấm bản đồ này hoàn toàn giống nhau.
Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia khẳng định, việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam-Campuchia được thực hiện minh bạch theo đúng luật pháp quốc tế và các Hiệp ước và những cam kết mà 2 nước đã ký.
Ngay sau đó, hôm 21/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố các cá nhân, tổ chức cáo buộc chính phủ sử dụng không đúng bản đồ phân định biên giới với Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp.
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 8, Thượng nghị sĩ Campuchia Hong Sok Hour đã bị bắt vì tội phản quốc, sau khi ông này đăng tải lên mạng xã hội các tài liệu xuyên tạc hiệp ước biên giới với Việt Nam.
Thủ tướng Hun Sen hôm 23/8 cũng viết thư cảm ơn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã cung cấp 18 bản đồ giúp chứng tỏ Phnom Penh tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc phân định biên giới của Campuchia với Việt Nam.
Trong thư, Thủ tướng Campuchia cảm ơn Liên Hợp Quốc và chỉ trích mạnh mẽ phe đối lập.
“Một lần nữa tôi muốn khẳng định đóng góp của Liên Hợp Quốc vào những nỗ lực của Chính phủ Hoàng gia Campuchia giúp chấm dứt sự kích động vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật, nhằm gây ra 'sự chia rẽ quốc gia và hiểu nhầm quốc tế' đối với Campuchia."
Ông Hun Sen cho biết, công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã diễn ra theo chiều hướng tích cực. Đã có hơn 83% số cột mốc được cắm.
>> Chính phủ Campuchia lên án phe đối lập về vấn đề biên giới
>> Ông Sam Rainsy thừa nhận gây rối vấn đề biên giới với Việt Nam
>> Nghị sĩ Campuchia xuyên tạc hiệp ước biên giới đối mặt 3 tội danh
>> Campuchia bắt giữ nghị sĩ xuyên tạc vấn đề biên giới với Việt Nam
>> Campuchia cam kết không để tái diễn sự cố ở Long An
Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí thức trẻ)