Hạ viện Mỹ vừa thông qua Nghị quyết Nhân quyền Campuchia lên án tình trạng đàn áp phe đối lập chính trị và những nhóm hoạt động nhân quyền tại Campuchia.
Nghị sĩ Ed Royce trong một phiên họp tại Washington. Ông là người thường xuyên chỉ trích Thủ tướng Hun Sen - Ảnh: Reuters |
Theo báo Camdodia Daily của Campuchia, nghị quyết được thông qua sáng 13-9 tại Washington. Đây là nghị quyết do nghị sĩ Alan Lowenthal khởi xướng trong đó kêu gọi Thủ tướng Hun Sen “chấm dứt quấy rối và dọa nạt phe đối lập”.
Nghị quyết cũng kêu gọi chính quyền Washington hỗ trợ nỗ lực cải cách bầu cử tại Campuchia để đảm bảo bầu cử tự do và công bằng sắp tới. Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền Phnom Penh “từ bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị chống lại các nghị sĩ đối lập”.
Ngay trước giờ bỏ phiếu, nghị sĩ Edward Royce, Chủ tịch tiểu bang Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã kêu gọi Thủ tướng Campuchia Hun Sen chấm dứt “quấy rối và đối xử tệ” với các thành viên đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP).
Nghị sĩ Royce, đại diện của bang California là một người lâu nay vẫn chống lại chính sách của thủ tướng Hun Sen, cho biết chính quyền Phnom Penh vẫn đang “bắt bớ và đánh đập những người chống lại chính sách của ông ấy”.
Trong lúc này tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền của LHQ (UNHRC) cũng đã triệu tập phiên họp thường kỳ thứ 33 mà trong chương trình nghị sự có cả báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền ở Campuchia.
Phía Campuchia đã nhanh chóng phản ứng với báo cáo của LHQ cho rằng điều đó là “nhúng mũi” vào chuyện nội bộ của Campuchia và can thiệp vào nền tư pháp của nước này.
Hôm 13-9, ông Phay Siphan, người phát ngôn của chính phủ Campuchia, cũng phản bác nghị quyết về nhân quyền của Hạ viện Mỹ, cho rằng nó không có chút tác động thực tế nào đối với chính quyền Phnom Penh.
Ông Siphan tuyên bố: “Chúng tôi chẳng xem trọng nghị quyết đó. Campuchia chẳng cần phải tuân thủ theo nó”. Ông cho rằng nghị quyết này do các nghị sĩ Mỹ đang ủng hộ đảng đối lập CNRP viết ra.
Đại diện chính quyền Phnom Penh khẳng định các chính trị gia “có toàn quyền và tự do hoạt động chính trị” ở Campuchia nhưng có một số chính trị gia lợi dụng luật pháp nên “phải ra trước vành móng ngựa”.
Ông Siphan cho rằng điều đó ở Campuchia gọi là “trừng trị những tên tội phạm” chứ không phải gọi là “đàn áp chính trị gia đối lập”.
Trong khi đó ông Sophal Ear, giáo sư trợ giảng môn Ngoại giao và Vấn đề quốc tế tại trường Occidental College ở Los Angeles (Mỹ), cho rằng nghị quyết vừa thông qua ở Hạ viện Mỹ không có sức nặng nào.
“Nó chỉ là chuyện viết ra để ghi vào biên bản, là một chút thuyết phục về mặt chính trị và có một chút ảnh hưởng đến ngoại giao. Nhưng thực sự nó không có tính ràng buộc gì. Thế các nghị sĩ Mỹ đề xuất làm gì? Chẳng có gì cả”.
Theo báo Phnom Penh Post của Campuchia, căng thẳng chính trị tại Campuchia hiện đang ngày càng tăng cao từ khi đảng đối lập CNRP tỏ ý không nhượng bộ trước những cảnh báo của chính quyền, tiếp tục họp báo để kêu gọi người ủng hộ xuống đường dự kiến vào ngày 16-9.
Thủ tướng Hun Sen cũng đã đăng đàn trên tài khoản Facebook của mình rằng “không ngại dùng vũ lực” để ngăn chặn biểu tình của phe đối lập, dù là biểu tình mang tính chất hòa bình.
Theo Nguyễn Quân (Tuổi Trẻ)