Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và phản đối mọi tuyên bố của ASEAN ủng hộ quyết định của tòa.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi "nhà ngoại giao của một cường quốc ngoài khu vực" vận động các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan khi tòa đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập đảng CPP, ông Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ không ủng hộ quyết định của PCA và phản đối mọi tuyên bố của các quốc gia ASEAN hoặc các nước khác trong việc ủng hộ phán quyết của PCA liên quan đến Biển Đông.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Reuters |
Campuchia nhiều lần thể hiện quan điểm không can thiệp vào vấn đề Biển Đông và cho rằng vấn đề nên được giải quyết giữa các quốc gia liên quan.
Ông Hun Sen cho rằng, các nhà ngoại giao phương Tây đã nhiều lần gây sức ép với Campuchia và các quốc gia ASEAN để ủng hộ quyết định của tòa dù PCA chưa đưa ra phán quyết.
"Campuchia hết lần này đến lần khác trở thành nạn nhân trong vấn đề Biển Đông. Tôi hy vọng rằng các nước không liên quan sẽ không rơi vào hoàn cảnh giống như Campuchia", ông Hun Sen tuyên bố trước hàng chục nghìn đảng viên.
"CPP tôn trọng vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia liên quan và Trung Quốc. Đảng mong muốn các nước hữu quan nên giải quyết vấn đề trên cơ sở hòa bình. ASEAN không thể làm việc thay cho những quốc gia đó", ông nói thêm.
Kể từ tuần trước, đây là lần thứ 3 thủ tướng Campuchia và đảng CPP đưa ra những tuyên bố tương tự về vấn đề này.
Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS năm 1982. Tòa quốc tế sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 7/7, trong đó nêu rõ cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có hay không phù hợp UNCLOS.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho phía Trung Quốc. Bắc Kinh luôn khăng khăng sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA dù Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996.
Ngày 20/6, Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết một quan chức Trung Quốc lớn tiếng với các nhà ngoại giao ASEAN rằng, họ không loại trừ việc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 nếu phán quyết của PCA “trái với nền tảng vị thế” của Bắc Kinh.
Nhiều tháng trước khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc liên tục rêu rao rằng nước này hiện nhận được sự ủng hộ từ 60 nước trong vụ kiện yêu sách "đường lưỡi bò". Tuy nhiên, theo Diplomat, Bắc Kinh còn không biết rõ cụ thể đó là những nước nào.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.