Campuchia bắt quản lý casino nơi 42 người Việt chạy trốn

22/08/2022 13:42:14

Cục Di trú Campuchia thông báo sau khi cử một nhóm công tác tới sòng bạc nơi 42 người Việt chạy trốn ở tỉnh Kadal, cơ quan này đã ra lệnh bắt giữ quản lý cơ sở này để thẩm vấn.

Truyền thông Campuchia hôm nay dẫn lời tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên Cục Di trú, cho biết ông đã chỉ huy một nhóm tới kiểm tra casino Golden Phoenix tại ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, nơi 42 người Việt chạy trốn gần đây.

Khi tới cơ sở này, nhóm bắt giữ quản lý người Trung Quốc để phục vụ quá trình điều tra. 

Campuchia bắt quản lý casino nơi 42 người Việt chạy trốn
Quản lý casino Golden Phoenix (phải) bị thẩm vấn. (Ảnh: Khmer Times)

Bước đầu chủ quản lý casino khai nhận đã ép buộc các lao động người Việt làm việc trái ý muốn của họ. Nhưng người này cũng cho biết những người chạy trốn đều đang nợ tiền của công ty, ông Vannthan cho hay.

“Chúng tôi cũng đã thẩm vấn 11 người Việt Nam và họ nói lý do chạy trốn là do tranh chấp với quản lý sòng bạc về việc không tuân thủ hợp đồng”, ông cho biết.

“Công ty hứa sẽ trả cho nhân viên 800 USD, nhưng người quản lý công ty chỉ trả 400-500 USD/tháng”, tướng Vannthan nói thêm rằng những người Việt Nam này hiện bị giữ và chờ trục xuất vì “không ai trong số họ có hộ chiếu”.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng ngày 19/8 cho biết nước này đang mở cuộc rà soát quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia, chú trọng tìm kiếm công dân nước ngoài là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Ông cho hay cảnh sát hai tỉnh Kandal và Sihanoukville đã kiểm tra tình trạng người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại các khách sạn, bất động sản cho thuê và sòng bạc.

Thống đốc tỉnh Kandal Kong Sophoan ngày 21/8 cho biết cảnh sát quốc gia Campuchia đang điều tra mức độ của hoạt động “phạm tội" trước khi quyết định bước tiếp theo.

“Chúng tôi khuyến khích các công ty tuân thủ luật lao động của Campuchia và tuân thủ các giấy phép kinh doanh phù hợp, đảm bảo rằng nhân viên thực hiện đúng nghĩa vụ, không sử dụng ma túy và cưỡng bức hoặc giam giữ người”, ông nói.

Ông Kong Sophoan cũng kêu gọi cảnh sát Việt Nam và Campuchia hợp tác giải quyết vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn.

Theo Khmer Times, vụ việc liên quan tới casino nói trên thu hút sự chú ý của dư luận sau khi một đoạn video ghi lại cảnh khoảng 50 người Việt Nam bỏ trốn khỏi đây. Sau đó, phần lớn trong số họ đã bơi qua sông Bình Di trốn về Việt Nam.

Những người trốn thoát được cho biết, họ đã bị lừa tới làm việc ở casino nói trên và mô tả điều kiện lao động tại đó "như địa ngục".

Theo cảnh sát Campuchia, phần lớn nhóm lao động Việt Nam đã bơi về Việt Nam, nhưng 11 người đã bị bắt lại.

Theo Khmer Times, nạn buôn người dưới vỏ bọc tuyển dụng lừa đảo tuyển dụng là vấn nạn mà Campuchia đang đối phó. Chiêu bài thường thấy của những kẻ tội phạm buôn người là hứa hẹn với người lao động về khoản lương cao để lừa họ tới Campuchia làm việc.

Campuchia cuối tuần qua thông báo mở chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra tất cả người nước ngoài đang sinh sống ở nước này, trong một nỗ lực giải cứu các nạn nhân buôn người.

Campuchia bắt quản lý casino nơi 42 người Việt chạy trốn - 1
Những người chạy khỏi casino Campuchia tại nơi nghỉ ngơi ở tỉnh An Giang ngày 19/8.

 

Trước đó vào tối 18/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện và bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đa phần những người này đều khai báo với cơ quan chức năng là đã xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia.

Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino, do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, nên nhóm người này bàn bạc, tìm cách vượt biên trái phép về Việt Nam.

Ngoài 40 người bị bắt giữ khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì còn một người được cho là đã mất tích trong quá trình bơi qua sông Bình Di và một người bị bảo vệ của casino bắt giữ lại.

Theo Bộ Công an, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở khu Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng, Banteay Meanchay, tỉnh Poipet, thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom, tỉnh Kandal và Phnom Penh. 6 tháng đầu năm, công an Việt Nam phối hợp với giới chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép.

QT (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật