Campuchia bảo vệ công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

21/09/2020 10:36:45

Campuchia bày tỏ sự thất vọng về các lệnh trừng phạt của Mỹ và cung cấp thông tin liên quan về dự án do tập đoàn Trung Quốc đầu tư.

Hội đồng Phát triển Campuchia, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế, và Tập đoàn Phát triển Đầu Tư Thiên Tân hôm 20/9 bác các cáo buộc của Mỹ liên quan lệnh trừng phạt nhằm vào Union Development Group (UDG), một công ty Trung Quốc đang phát triển khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Seashore Resort trị giá 3,8 tỷ USD ở tỉnh Koh Kong.

Phản ứng được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/9 trừng phạt UDG vì cáo buộc thu hồi đất đai, hủy hoại môi trường địa phương cùng các cáo buộc khác. UDG đang xây dựng khu phức hợp gồm bến cảng, sân bay và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor tại công viên quốc gia ở Koh Kong, sở hữu đường băng có khả năng tiếp nhận những máy bay lớn nhất thế giới. Công ty mô tả đây là dự án phát triển khu vực lớn nhất trong sáng kiến Vành đai, Con đường do Bắc Kinh khởi xướng.

Campuchia bảo vệ công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt
Đường băng đang xây dựng tại sân bay quốc tế Dara Sakor của Campuchia nhìn từ trên cao năm 2019. Ảnh: NYTimes.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc sau khi đăng ký gian dối với tư cách là thực thể thuộc sở hữu Campuchia để nhận được cấp đất cho dự án Dara Sakor, UDG đã trở lại sở hữu thực sự của mình và tiếp tục hoạt động mà không bị ảnh hưởng. Ông cũng cáo buộc UDG là doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đại diện cho một quan chức chính phủ nước này, người được Campuchia cho thuê 36.000 ha đất ở Koh Kong từ năm 2008 với thời hạn 99 năm.

Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), phụ trách thúc đẩy các khoản đầu tư trong và ngoài nước, bày tỏ sự thất vọng về các lệnh trừng phạt của Mỹ và cung cấp các thông tin liên quan. Theo cơ quan này, UDG là công ty nước ngoài đăng ký tại Bộ Thương mại Campuchia với 100% cổ phần do Tập đoàn Thiên Tân nắm giữ. Tập đoàn này đăng ký tại Trung Quốc với tư cách là doanh nghiệp tư nhân vào năm 1995, chuyên phát triển bất động sản. Trước khi đầu tư tại Campuchia, tập đoàn đã thành công trong lĩnh vực bất động sản tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

UDG đã đệ đơn lên CDC để đầu tư dự án phát triển khu nghỉ dưỡng ven biển vào tháng 1/2008, gồm cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay và cảng. Sau khi xem xét, kiểm tra và thảo luận, CDC hoàn tất quá trình thẩm định và đề nghị chính phủ Campuchia cho phép công ty đầu tư.

Về cáo buộc của Mỹ cho rằng Campuchia vi phạm luật nhượng đất, trong đó giới hạn nhượng đất không quá 10.000ha, CDC nhấn mạnh dự án UDG không thuộc kế hoạch nhượng đất kinh tế, do đó giới hạn này không được áp dụng.

Campuchia bảo vệ công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt - 1
Vị trí sân bay Dara Sakor ở tây nam Campuchia. Đồ họa: GIS.

Về việc Mỹ cáo buộc chính phủ Campuchia và UDG cưỡng ép người dân nhượng đất, CDC lý giải việc cho UDG thuê địa điểm tôn trọng luật và quy định Campuchia. Dự án gồm một phần của Vườn Quốc gia Botum Sakor, là tài sản công và theo luật pháp Campuchia, khu đất đó không thể thuộc sở hữu của bất kỳ ai.

Tuy nhiên, một số người định cư bất hợp pháp trong khu đất được cấp cho UDG. Hợp đồng thuê đất đã được xem xét để đưa ra cơ chế tái định cư thích hợp và tránh để họ bị cưỡng chế trục xuất.

Về cáo buộc UDG hủy hoại môi trường, CDC đã thực hiện kế hoạch tổng thể để xem xét, thảo luận và thông qua với sự tham dự của đại diện các bộ và cơ quan liên quan sau khi phân tích và đánh giá. Một ủy ban liên bộ cũng đã thiết lập chương trình thanh tra để giám sát dự án 6 tháng một lần.

Trước những cáo buộc rằng dự án đầu tư của UDG có thể được sử dụng làm căn cứ quân sự, CDC cho biết hiến pháp Campuchia cấm tất cả căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ. Theo cơ quan này, chính phủ đã nhiều lần bác bỏ thông tin Campuchia có thể cho phép bất kỳ quân đội nước ngoài nào đóng trên lãnh thổ nước mình.

Tập đoàn Thiên Tân ra tuyên bố khẳng định họ là công ty bất động sản tư nhân, không có cổ đông từ chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn cũng khẳng định rằng họ quản lý UDG, không phải chính phủ Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cũng phát đi thông cáo báo chí "phản đối và lên án mạnh mẽ" lệnh trừng phạt của Mỹ. "Chúng tôi nhấn mạnh phía Mỹ phải sửa đổi phương pháp này ngay lập tức và dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt", thông cáo nêu.

Theo Huyền Lê (Vnexpress.net)

Nổi bật