Cai nghiện mạng Internet… kiểu quân đội

30/06/2019 16:02:38

Nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ “giải độc” cho những người trẻ bị nghiện sử dụng mạng internet và trò chơi trực tuyến đã ra đời tại Trung Quốc.

Một số nơi thậm chí áp dụng biện pháp điều trị cho học viên theo phong cách huấn luyện trong quân đội.

Vào một buổi trưa tháng 5, cậu bé Li Jiazhuo, 14 tuổi, đã bị hai người đàn ông vạm vỡ tự nhận là nhân viên Văn phòng Giáo dục đưa đi để điều tra về việc cậu trốn học. Họ kéo cậu bé ra khỏi chiếc máy tính theo yêu cầu của mẹ cậu, người đã chứng kiến cảnh con trai mình quên ăn, quên ngủ để chơi game suốt 20 giờ/ngày trong cả tuần.

Bà Qiu Cuo, mẹ của Li, kể lại trong nước mắt: "Thằng bé cách ly mình khỏi cuộc sống thật. Tôi không dám ngăn thằng bé truy cập mạng vì sợ nó sẽ làm hại bản thân. Điều đó sẽ là kết thúc của cuộc đời tôi mất".

Li chỉ là một trong gần 100 thiếu niên tại Cơ sở phát triển tâm lý thanh thiếu niên, được thành lập năm 2003 và nằm cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh khoảng 30 km. Tại đây, phụ huynh phải đóng khoảng 10.000 nhân dân tệ/học viên (khoảng 34 triệu đồng) cho việc điều trị.

Trung tâm được điều hành bởi ông Tao Ran, cựu đại tá Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), người từng đứng đầu đơn vị tâm lý quân đội. Đây là một trong những nơi đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện chẩn đoán và cai nghiện mạng internet. Ngoài ra, trung tâm cũng có phác đồ điều trị tiên tiến đã được sử dụng tại nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc. Tại đây, các thiết bị điện tử không được phép sử dụng.

Cai nghiện mạng Internet… kiểu quân đội
Những căn phòng đơn sơ tại Cơ sở phát triển tâm lý thanh thiếu niên. Nguồn: SCMP

Theo ông Tao, nghiện mạng internet là "một vấn đề lớn ở Trung Quốc" và ngày càng trở nên tồi tệ với sự phổ biến của điện thoại thông minh. Ông ước tính có khoảng 10% thanh thiếu niên Trung Quốc nghiện internet.

"Đây không là vấn đề của thiếu niên, trung tâm còn có cả đứa bé 9 tuổi cũng như người trưởng thành đã 30 tuổi. Chúng tôi gặp nhiều bé gái và những trẻ em ở nông thôn hơn" - ông Tao cho biết.

Một số người còn bị nghiện tới mức phải mặc tã để không phải đi vào nhà vệ sinh và ngắt quãng trò chơi. Có người đã lấy trộm 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng) của cha mẹ, sau đó đến một tiệm internet chơi game trong suốt mùa thu và ở đó đến mùa xuân năm sau.

Hầu hết các học viên đều tìm cách bỏ trốn, "rất ngỗ nghịch và ngạo mạn" trong khoảng thời gian đầu. "Nhưng có kết quả rõ ràng sau vài tháng điều trị", ông Tao nói.

Tuy nhiên, ông Tao phủ nhận việc sử dụng liệu pháp giật điện và tra tấn tại trung tâm của mình.

Cai nghiện mạng Internet… kiểu quân đội - 1
Giám đốc trung tâm cai nghiện mạng Internet Tao Ran. Ảnh: SCMP

Cụ thể, trung tâm phối hợp các phương pháp điều trị gồm dùng thuốc, tư vấn tâm lý, rèn luyện thể chất và các hoạt động gia đình, thông thường quá trình kéo dài ít nhất 3 tháng.

Cha mẹ và người bảo hộ được yêu cầu ở lại trong những ký túc xá tách biệt với con họ và phải trải qua khóa hướng dẫn như cách giao tiếp với con cái.

Một ngày bình thường tại trung tâm bắt đầu lúc 5 giờ sáng, các học viên được đánh thức và tập hợp để thực hiện bài tập rèn luyện thể chất đầu tiên lúc 6 giờ trong chuỗi các bài tập theo phong cách quân đội.

Sau bữa sáng lúc 7 giờ 10 phút là phần tư vấn, tập thể dục và "những hoạt động khác" theo lịch trình được cung cấp. Học viên tại đây phải đi ngủ lúc 21 giờ 30 phút và thời gian cuối tuần dành để dọn dẹp, giặt giũ, tập luyện và tổng kết tuần vừa qua.

Theo lời kể của một học viên, những học viên nổi loạn bị cột vào giường cho đến khi bình tĩnh lại. Trong khi đó, những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ bị cách ly một mình trong căn phòng nhỏ suốt 10 ngày.

Cai nghiện mạng Internet… kiểu quân đội - 2
Các học viên đang học những bài hát quân đội. Nguồn: SCMP

Trung tâm xác nhận sử dụng biện pháp cách ly với mục đích tự nhìn nhận bản thân, như trong quân ngũ". Đối với phần lớn trẻ em trong trung tâm, đây là lần đầu tiên làm việc nhà và dọn giường của chính mình.

Câu bé Zhao Xiaojia, 15 tuổi, đã ở trong trung tâm 280 ngày. Cậu kể lại thời gian đầu khi bị ép đưa vào trung tâm: "Cháu đã gào thét trong ngày đầu tiên, cháu không biết đây là đâu và không muốn ở đây chút nào. Cháu không được phép gặp cha mẹ, cháu tông vào những người bảo vệ và bị buộc vào khung giường sắt trong nửa ngày".

Zhao đã dành hầu hết thời gian cho internet trong suốt 2 tháng trời trước khi cha mẹ cảm thấy không thể tiếp tục tình trạng này nữa. Zhao lên mạng xã hội trong 3 ngày liên tiếp và không chịu gỡ tai nghe thậm chí là trong khi ngủ.

Cai nghiện mạng Internet… kiểu quân đội - 3
An ninh trong trung tâm điều trị giống như một nhà tù. Nguồn: SCMP

Anh Wang Guoqiang, một công nhân nhà máy đến từ tỉnh Hà Bắc, ở trong trung tâm với con trai trong một năm, đã chi hơn 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng) cho việc điều trị.

Anh cho biết đó là một gánh nặng tài chính nhưng xứng đáng bỏ ra. Trong lúc con trai được tư vấn tâm lý thì anh Wang cũng tham dự các lớp học để học "cách trở thành một người cha tốt".

"Chúng tôi chi tiền để cứu con mình. Nó đã từng cảm thấy trống rỗng trong đầu và tìm kiếm niềm vui trong các trò chơi trực tuyến. Tôi tin rằng con trai tôi sẽ thích nghi được với xã hội ngoài kia sau khi ra khỏi trung tâm" - anh Wang nói.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã tăng cường giải quyết trường hợp sai sót trong ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến để ngăn chặn tật cận thị ngày càng gia tăng ở trẻ em.

Rất ít trò chơi trực tuyến mới được phê duyệt và các công ty game được khuyến khích giới hạn thời gian thanh thiếu niên chơi game. Năm ngoái, Công ty Tencent, gã khổng lổ công nghệ của Trung Quốc, đã áp dụng điều kiện xác minh độ tuổi và giới hạn thời gian chơi cho những người trẻ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn chơi game có biểu hiện thiếu kiểm soát trong việc chơi game, tăng cường mức độ ưu tiên cho chơi game hơn những sở thích và hoạt động thường ngày khác, liên tục và gia tăng chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực.

Trung Quốc có dân số sử dụng mang internet lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người dùng, ngành công nghiệp trò chơi điện tử được ước tính đạt 30 tỉ USD lợi nhuận mỗi năm.

 

Theo Minh Yến (Nld.com.vn)

Nổi bật