Vào năm 2017, đất nước Indonesia đã rúng động bởi cái chết của bé Muhammad Hafizh, 1 tháng tuổi. Đứa trẻ qua đời vì bị viêm phổi sau hít phải khói thuốc lá. Cha mẹ của cậu bé không thể ngờ rằng, việc tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian ngắn như vậy lại có thể cướp đi sinh mạng của đứa trẻ.
"Tôi hy vọng Chính phủ sẽ đóng cửa các nhà máy sản xuất thuốc lá. Nó còn tệ hơn cả ma túy. Ma túy chỉ giết chết người sử dụng nó nhưng những người nghiện hút thuốc lá lại giết chết những người xung quanh họ", cô Fitria Lestari, mẹ của đứa trẻ lên tiếng.
Được biết, cậu bé Hafizh trước khi qua đời đã tiếp xúc với khói thuốc lá trong một bữa tiệc để chúc mừng em bé mới sinh. "Thuốc lá chính là thủ phạm. Chúng tôi tin rằng, hút thuốc là yếu tố chủ chốt. Mọi thứ đều ổn trước đó", Hegidi Ichwanur, cha của đứa trẻ cho hay.
Fitria và chồng cô cho biết những người hút thuốc đều là người thân trong gia đình và họ đều từ chối việc bỏ hoàn toàn thuốc lá. Người mẹ nói rằng cậu bé có dấu hiệu bị khó thở và vợ chồng cô đã đưa con đến bệnh viện nhanh chóng.
"Thằng bé ở trong phòng cấp cứu 10 tiếng đồng hồ liền. Bác sĩ nói tình trạng của Hafizh đã được cải thiện. Tuy nhiên sau đó, tình hình chuyển biến xấu đi. Hafizh bị ho, mạch đập ngày càng yếu và bác sĩ động viên chúng tôi hãy cầu nguyện.
Cuối cùng, tôi cũng chịu thua trước thần chết. Tôi đã nói với con rằng, chúng tôi đã rất hạnh phúc khi có Hafizh trên đời và rồi thằng bé rời xa chúng tôi mãi mãi", Fitria nói.
Indonesia là quốc gia có tỷ lệ đàn ông hút thuốc ở trong top cao nhất thế giới. Khoảng 60% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc hàng ngày và 2% phụ nữ là người hút thuốc. Trung bình mỗi ngày, một người hút thuốc tiêu thụ khoảng 3 bao thuốc lá.
Tỷ lệ người trẻ hút thuốc tăng cao ở Indonesia, một phần bắt nguồn từ việc giá những gói thuốc rất rẻ và dễ dàng có thể mua chúng ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, trước những tác hại do khói thuốc lá gây ra cho cộng đồng, một chiến dịch cấm hút thuốc lá trong gia đình đã diễn ra, bắt đầu từ khi vực phía đông Jakarrta.
Người dân đã ký cam kết chống hút thuốc trong nhà của họ, và đã sơn tất cả các ngôi nhà trong khu vực bằng màu sáng để làm nổi bật những nỗ lực của họ. Điều này đã tác động không hề nhỏ đến tinh thần cộng đồng.
"Tôi cảm thấy xấu hổ vì hút thuốc lá trong khi hàng xóm của tôi thì không", một người đàn ông địa phương tên Adi cho hay.
Adi chia sẻ rằng ông đã từng hút 3 bao thuốc lá mỗi ngày và hiện tại ông đã giảm xuống còn nửa bao và sẽ cố gắng từ bỏ hoàn toàn. "Hình phạt xã hội khiến chúng tôi thay đổi tự nguyện", ông Adi cho hay.
Ở Indonesia, hiếm có cá nhân hay tổ chức nào chống lại các công ty thuốc lá. Quảng cáo thuốc lá ở Indonesia có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ ở trong rạp chiếu phim, trên truyền hình mà còn ở các áp phích dán ở trên xe tải hoặc nhà ở.
Mẹ của bé Hafizh đã kêu gọi Chính phủ phải chống lại ngành công nghiệp thuốc lá. "Khó khăn ở đây là có rất nhiều thứ được tài trợ bởi các công ty thuốc lá, như các sự kiện thể thao. Nếu Chính phủ không thể đóng cửa được họ thì cần áp dụng biện pháp tăng thuế thuốc lên lên cao gấp nhiều lần", mẹ của bé Hafizh lên tiếng.
Theo Diệp Lục (Helino)