Cái chết đầy bí ẩn của nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất Trung Quốc

27/03/2023 14:45:03

Vương Trinh Nghi là một nhà thiên văn học, nhà toán học và nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc vào thế kỷ 18. Được mệnh danh là "Marie Curie của Trung Quốc", bà chính là một trong 8 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất đến lịch sử nước này.

Vào năm thứ 33 của triều đại Hoàng đế Càn Long (1768), Vương Trinh Nghi sinh ra trong một gia đình có công danh học thức ở Giang Tô.

Ông nội của bà là Vương Giả Phụ từng làm tri phủ với nguyên tắc vàng: “Quan thanh liêm, thương dân như con, xem phủ như nhà”.

Cha của bà, Vương Tích Sâm từng làm quan huyện thừa, vì nhiều lần thất bại trong các kỳ thi của triều đình, ông đã chuyển sang nghiên cứu y học và trở thành bác sĩ nổi tiếng một phương.

Mặc dù sống trong thời đại mà nữ giới không được khuyến khích theo đuổi những công việc trí tuệ, bà Vương đã phá vỡ khuôn mẫu và trở thành một trong những học giả được kính trọng nhất vào thời của bà. Dưới sự dạy dỗ của ông nội và cha, Vương Trinh Nghi đã không làm họ thất vọng.

Cái chết đầy bí ẩn của nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất Trung Quốc

 

Năm 1779, Vương Giả Phủ qua đời ở Đông Bắc khi bị đày đến Cát Lâm vì tội ăn nói phạm thượng, để lại cả một kho tàng trí thức gồm 75 tủ đựng sách cực lớn cho Vương Trinh Nghi, khi đó bà chỉ mới 11 tuổi.

Vương Trinh Nghi bắt đầu học tại nhà, và chỉ mất 5 năm để gần như đọc hết kho tàng sách mà ông để lại. Bà sớm tỏ ra yêu thích toán học và thiên văn học - vốn bị coi là những môn học "không bình thường" đối với nữ nhi vào thế kỷ 18.

Mối quan tâm của Vương Trinh Nghi với toán học và thiên văn học thôi thúc bà nghiên cứu công trình của các nhà thiên văn học châu Âu nổi tiếng như Copernicus, Galileo và Newton.

Bà Vương cũng tìm hiểu về nền thiên văn học nước nhà - vốn có truyền thống lâu đời và phong phú từ thời nhà Hán (206 TCN-220).

Cái chết đầy bí ẩn của nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất Trung Quốc - 1

Trong lĩnh vực thiên văn, Vương Trinh Nghi đã để lại những tác phẩm như “Biện giải tuế sai trục” (hay chính là Tiến động trục quay, sự biến thiên rất chậm và liên tục của định hướng trục quay của một thiên thể), “Phân biệt Hoàng đạo và Xích đạo” và “Luận trái đất hình tròn”.

Điều quan trọng hơn là Vương Trinh Nghi đã xác nhận tính đúng đắn của thuyết “trái đất hình cầu” thông qua các "thí nghiệm đất" khác nhau trong khi thuyết "trời tròn và đất vuông" vẫn còn phổ biến vào thời điểm đó.

Ngoài ra, Vương Trinh Nghi đã giải thích một cách chính xác mối quan hệ vị trí của mặt trời, trái đất và mặt trăng khi xảy ra Nhật thực và Nguyệt thực cùng với nguyên nhân của các hiện tượng thiên văn này. Sau đó bà đã viết cuốn "Lý giải Nguyệt thực" để hậu thế học hỏi.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, thành tích nghiên cứu của Vương Trinh Nghi được lan truyền sang vùng đất phương Tây xa xôi thông qua các nhà truyền giáo. Nhờ đó, bà đã trở thành một ngôi sao sáng trong lĩnh vực khoa học, được mệnh danh là "Marie Curie của Trung Quốc".

Ngoài ra, Vương Trinh Nghi cũng có những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực toán học. Bà đặc biệt quan tâm đến các tính chất của hình tam giác và hình tròn, đồng thời bà đã phát triển một số công thức và định lý toán học liên quan đến các hình này.

Đặc biệt, bà đã tự chứng minh độc lập định lý mà mọi người vẫn biết đến với cái tên Pytago.

Cái chết bí ẩn

Tài năng như vậy nhưng bất hạnh thay, Vương Trinh Nghi qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 29. Cái chết của bà Vương vẫn là một ẩn số trong lịch sử Trung Quốc.

Một số nguồn sử liệu nói rằng bà mất do bệnh đậu mùa, căn bệnh được coi là nan y và có tỷ lệ tử vong lên tới 30% thời đó. 

Cái chết đầy bí ẩn của nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất Trung Quốc - 2

Một giả thuyết khác lại cho rằng Vương Trinh Nghi bị thủ tiêu bởi ý đồ chính trị. Bà Vương nổi tiếng có thiện cảm với các trí thức người Hán - những người chỉ trích mạnh mẽ nhà Thanh. 

Ngoài ra, các nhà học giả cũng không loại trừ khả năng bà Vương bị đầu độc bởi những kẻ ghen tức và bị đe dọa bởi trí thông minh và sức ảnh hưởng của bà ấy.

Sau khi Vuowgn Trinh Nghi mất, một số lượng lớn bản thảo kết quả nghiên cứu khoa học cũng bị thất lạc sau đó. Nhưng chỉ một phần rất nhỏ còn sót lại cũng đủ để chúng ta thấy được sự vĩ đại của bà.

Bảo Ngọc (SHTT)

 

Nổi bật