Theo CNN, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã lên phương án đối phó từ trước với những đòn kinh tế từ phương Tây bằng cách tăng cường năng lực sản xuất nội địa. Tuy nhiên, quy mô các lệnh trừng phạt cùng với làn sóng các công ty nước ngoài ồ ạt rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga, sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vẫn tạo nên một "cú sốc" đối với Moscow.
Tuy vậy, trong khó khăn, người Nga vẫn tìm ra các biện pháp sáng tạo để chứng minh họ vẫn có thể chung sống với các đòn trừng phạt từ phương Tây.
'Hồi sinh' thương hiệu xe Lada
Lada vốn là thương hiệu xe hơi biểu tượng của Nga dưới thời Liên Xô. Tuy vậy, trớ trêu thay, việc sản xuất dòng xe hơi này hiện nay lại phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận nhập khẩu.
Nguyên nhân của điều này đến từ việc Avtovaz, nhà sản xuất xe Lada, hiện thuộc quyền sở hữu bởi hãng xe Pháp Renault. Do 2 công ty chia sẻ một hệ thống mua sắm phụ tùng chung, nên sau khi Renault tuyên bố rút lui khỏi thị trường Nga, Avtovaz đang gặp nhiều khó khăn với việc duy trì dây chuyền sản xuất dòng xe của mình.
Để đối phó với vấn đề trên, nhà sản xuất xe của Nga thông báo họ đang nhanh chóng thiết kế lại một số mẫu xe Lada nhằm giảm sự phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu. Những mẫu xe được thiết kế lại này sẽ đơn giản hơn các phiên bản xe Lada hiện tại, đồng thời gạt bỏ những tính năng bổ sung như hệ thống chống bó cứng phanh ABS.
Theo nhiều chuyên gia, việc tối giản hóa những công nghệ hiện đại, tưởng chừng tiêu cực, nhưng lại đang khiến khá nhiều người Nga cảm thấy hứng thú. Lý do là vì một bộ phận không nhỏ người yêu xe ở Nga luôn có mong muốn được trải nghiệm một chiếc Lada gần với phiên bản gốc từ thời Liên Xô.
'Dọn nhà' sang mạng xã hội nội địa
Cho đến trước thời điểm xung đột với Ukraine nổ ra, Instagram vẫn là mạng xã hội được ưa thích nhất ở Nga. Đứng thứ 2 là mạng xã hội Vkontakte, được xem như một "phiên bản Nga" của Facebook.
Nhưng sau khi xung đột bùng phát, cùng với việc Facebook và Instagram bị các cơ quan quản lý truyền thông của Nga hạn chế quyền truy cập vào tháng trước, Vkontakte đã và đang tìm mọi cách để thu hút những người sáng tạo nội dung đến với nền tảng của mình.
Cụ thể, Vkontakte đã quyết định sẽ trả trước tiền hoa hồng cho bất kỳ nội dung kiếm tiền nào được đăng trên mạng xã hội này cho đến cuối tháng 4, thậm chí còn cung cấp quảng cáo miễn phí cho các đối tác đồng ý chuyển sang Vkontakte từ các mạng xã hội khác.
Những động thái trên của Vkontakte đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Brand Analytics, lượng truy cập vào Vkontakte đã đạt kỷ lục hơn 100 triệu vào tháng 3/2022. Ở chiều ngược lại, Instagram đã mất đến gần một nửa số người dùng nói tiếng Nga kể từ ngày 24/2, thời điểm Nga bắt đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt của ở Ukraine.
Tận dụng hệ thống thanh toán 'cây nhà lá vườn'
Để đối phó với việc bị phương Tây cô lập về mặt tài chính, giới chức Nga đang dần chuyển sang việc áp dụng hệ thống thanh toán của riêng mình, cùng với một hệ thống thẻ ngân hàng được xây dựng trên nó.
Hệ thống thanh toán nội địa của Nga, được gọi là Mir, đã liên tục phát triển theo cấp số nhân từ cuối tháng 2 cho đến nay. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga, hơn 113 triệu thẻ Mir đã được phát hành vào năm 2021, tăng mạnh so với chỉ 1,76 triệu thẻ được phát hành vào cuối năm 2016. Khoảng 1/4 trong tổng số giao dịch ở Nga được thực hiện qua thẻ Mir trong cùng năm.
Điều đó có nghĩa là kể cả khi hệ thống thanh toán của Visa và Mastercard tạm ngừng các hoạt động giao dịch ở Nga, thì Mir vẫn được xem là một giải pháp thay thế, dù phương thức này mới chỉ phổ biến ở Nga và một số nước khác, chủ yếu là các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ.
Nga cũng đang nỗ lực thế chỗ hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) bằng một hệ thống của riêng mình, có tên gọi Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS).
Khôi phục các nghề dịch vụ công
Với việc các công ty nước ngoài đang rút dần hoạt động kinh doanh khỏi Nga, lo ngại về tình trạng thất nghiệp trên diện rộng đang được xem là vấn đề hiện hữu ở quốc gia này.
Theo thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin, có tới 200.000 việc làm đang gặp rủi ro. Để chuẩn bị đối phó với vấn đề tiềm ẩn trên, thành phố Moscow đang cố gắng cung cấp các chương trình đào tạo lại và tuyển dụng lại những người từng làm việc cho các công ty nước ngoài.
Theo ông Sobyanin, giải pháp ở đây là tuyển các lao động trên vào những vị trí trong các nghề dịch vụ công như quản lý các tài liệu và hồ sơ nhà nước, hay làm việc tại một địa điểm công cộng như các trung y tế và công viên ở Moscow. Thủ đô Nga đã lên kế hoạch sử dụng một khoản ngân quỹ trị giá 41 triệu USD cho chương trình này.
Vẫn chưa qua thời điểm xấu nhất
Cho đến nay, Nga đã phần nào xoay xở để các lệnh trừng phạt bước đầu của phương Tây không đẩy hệ thống tài chính của nước này vào khủng hoảng. Điều này phần lớn nhờ vào việc Ngân hàng Trung ương Nga đã ngay lập tức tăng lãi suất lên 20%, sau đó hạ xuống 17%, và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.
Nhưng nó không có nghĩa là Nga đang đã thoát khỏi giai đoạn xấu nhất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm tới 8,5% trong năm nay, và còn giảm sâu hơn nếu châu Âu cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Lạm phát của nước này hiện ở mức 17,5%, điều mà ngay cả Tổng thống Vladimir Putin cũng thừa nhận đang gây tổn hại cho người dân Nga.
Một rủi ro chính khác, theo các chuyên gia, là sự phụ thuộc của Nga vào các sản phẩm nhập khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm bị cấm nhập vào nước này do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đây là điều có thể khiến Moscow phải đau đầu giải quyết hơn cả các biện pháp nhắm vào nền kinh tế vĩ mô của Nga.
Theo Việt Anh (VietNamNet)