Các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận đầu tiên đã đưa ra những giải pháp giúp nước Mỹ vừa kìm chế được một nước Nga đang hồi sinh lại vừa ngừa được mối đe dọa chiến lược lớn nhất từ Trung Quốc. Những kế sách này liệu có khả thi với những người sáng nắng chiều mưa như bà Hillary Clinton?
Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ |
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hô hào cho việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria như một cách để giúp thúc đẩy Nga, đồng minh của Syria, hợp tác với các nước khác trong khu vực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị. Bà cho rằng, Mỹ phải mạnh mẽ chống lại điều mà bà gọi là những “hành động hiếp đáp” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sander của tiểu bang Vermont cho rằng, thiết lập vùng cấm bay ở Syria sẽ tạo ra một tình huống rất nguy hiểm, có thể tạo ra nhiều vấn đề. Ông nói rằng Mỹ không nên phái binh sĩ tác chiến trên bộ tới Syria - một việc mà Tổng thống Obama và bà Clinton cũng không tán thành. Ông Sanders nói: “Chúng ta nên giúp thiết lập một liên minh của các nước Arập, những nước sẽ dẫn đầu nỗ lực này”.
Trong các cuộc thăm dò, cựu Thống đốc Martin O’Malley của tiểu bang Maryland tụt hậu rất nhiều so với người dẫn đầu là bà Clinton và người có tỷ lệ ủng hộ nhiều thứ nhì là ông Sanders. Ông O’Malley hôm 13/10 cho biết, thiết lập một vùng cấm bay vào lúc này là sai lầm vì các máy bay Nga đang hoạt động trong khu vực có thể dẫn tới một vụ việc ngoài ý muốn và làm cho tình hình leo thang.
Cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb của tiểu bang Virginia đặc biệt chú trọng tới vấn đề Trung Quốc và nói rằng mối đe dọa chiến lược lớn nhất mà Mỹ đối mặt là xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta cần phải làm như vậy vì sự xâm lấn của họ trong khu vực. Chúng ta cần phải làm như vậy vì cách thức đối xử của họ đối với người dân của chính nước họ”.
Ông hứa, nếu đắc cử, chính phủ ông sẽ “làm những việc gì đó” về vấn đề được cho là các công ty Mỹ và các cá nhân ở Mỹ bị tin tặc tấn công, cũng như vụ tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói: “Trung Quốc không làm chủ Biển Đông và không có quyền tiến hành chiến tranh mạng nhắm vào hàng chục triệu công dân Mỹ”. Ông Webb cũng nêu nghi vấn về sự hữu hiệu của một thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc thông báo cách nay 1 năm về những nỗ lực giảm thiểu khí thải. Ông cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu cần có một giải pháp toàn cầu.
Ông nói: “Cái gọi là những hiệp định mà chúng ta có với Trung Quốc là có tính chất ảo tưởng khi xét tới những đòi hỏi cấp thời đối với bản thân Chính phủ Trung Quốc. Do đó, chúng ta nên giải quyết vấn đề này theo đường lối quốc tế, và như thế, chúng ta sẽ thật sự có được một cách thức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Bà Clinton không tán đồng sự đánh giá của ông Webb về hiệp định với Trung Quốc, nhưng bà nói rằng, sẽ không có một nỗ lực có hiệu quả để chống biến đổi khí hậu nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.
Thượng nghị sĩ Sanders cũng nhấn mạnh đến việc các nước khác, kể cả Nga, cần phải thực hiện những biện pháp chống biến đổi khí hậu. Ông gọi đây là “một vấn đề đạo đức” và có tính chất hệ trọng đối với tương lai của Trái đất.
Một Clinton sáng nắng chiều mưa
Từng là ứng cử viên bầu cử sơ bộ vào năm 2008, bà Clinton đã quá quen với những cuộc tranh luận như vậy, cho nên trong buổi tranh luận hôm 13/10, bà đã áp đảo dễ dàng các ứng cử viên khác, khẳng định vai trò là nhân vật có nhiều cơ may nhất bên phía đảng Dân chủ và là đối thủ lợi hại nhất đối đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm tới.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với một người thường xuyên thay đổi lập trường như bà Clinton thì không hiểu nước Mỹ dưới tay bà sẽ thế nào.
Khi xuất hiện lần đầu ở cuộc tranh luận 8 năm trước đây, bà Clinton là chính trị gia không ủng hộ hôn nhân đồng tính, hết lòng bênh vực cho quyền được mua và giữ súng, mạnh mẽ lên tiếng bênh vực lý do tại sao bà bỏ phiếu ủng hộ đưa quân sang Iraq và không tán thành ý kiến cho người cư trú bất hợp pháp được lấy bằng lái xe. Lần này ở Las Vegas, bà Clinton là chính trị gia đầu tiên lên tiếng hoan nghênh phán quyết của Tối cao Pháp viện công nhận hôn nhân đồng tính, là người hô hào chính phủ kiểm soát súng đạn, là người nhìn nhận đã sai lầm khi ủng hộ cuộc chiến Iraq, đồng thời cũng là người đòi hỏi phải sửa đổi luật di trú.
Không chỉ thay đổi lập trường ở những khoản nêu trên, bà còn thay đổi cả lập trường đối với Hiệp định Ðối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hồi 2007, bà ủng hộ hiệp định, đến năm 2008 bà chống đối, giữa năm 2009 khi đang làm Ngoại trưởng bà ủng hộ trở lại, nhưng đầu tuần trước chính bà là người... lắc đầu.
Chuyện một chính trị gia thay đổi lập trường là điều thường xảy ra trong chính trường Mỹ, “nhất là khi thay đổi lập trường để đi chung với ý kiến của đám đông”, theo nhận xét của ông David Axelrod, người từng hoạch định đường hướng tranh cử và giữ vai trò cố vấn chiến lược cho Tổng thống Obama. Ông Axelrod xổ toẹt: “Trở ngại lớn nhất là khi một chính trị gia thay đổi lập trường, cử tri sẽ thắc mắc không biết có thể tin tưởng vào người sáng nắng chiều mưa hay không? Hình như đó chính là một trong những thắc mắc mà cử tri đang nghĩ với bà Clinton và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảm tình họ dành cho bà”.
Ann Walker, một thành viên Dân chủ nòng cốt của tiểu bang Iowa cho rằng, chính vì thay đổi lập trường “quá nhanh lẫn quá nhiều” nên uy thế chính trị của bà Clinton giảm sút, đặc biệt đối với nữ giới. “Tôi còn nhớ có những lúc hơn 60% nữ cử tri toàn quốc cho biết họ ủng hộ bà Clinton, nhưng sau này chính những người từng hết lòng ủng hộ bà cựu Ngoại trưởng lại là những người thắc mắc nhiều nhất, không biết có nên tin vào bà hay không. Không biết lập trường của bà là gì?” - Walker nói.
Theo H.Phan (Petrotimes.vn)