Các ứng viên nổi bật trong cuộc đua kế nhiệm Giáo hoàng Francis

24/04/2025 07:17:35

Việc bầu chọn Giáo hoàng mới là một quá trình khó đoán vì nhiều lý do. Người được chọn có thể tác động sâu sắc tới Giáo hội Công giáo và 1,4 tỷ tín đồ Công giáo La Mã trên toàn cầu.

Các ứng viên nổi bật trong cuộc đua kế nhiệm Giáo hoàng Francis
Các ứng viên Giáo hoàng. Ảnh: Aljazeera

Theo BBC và CNN, Hồng y đoàn sẽ họp kín tại Nhà nguyện Sistine để tranh luận và sau đó bỏ phiếu cho ứng viên ưa thích cho tới khi một cái tên duy nhất được công bố. Lần đầu tiên trong lịch sử, chưa đến 1/2 số hồng y được quyền bỏ phiếu là người châu Âu. 

Việc dự đoán kết quả của mật nghị bầu Giáo hoàng gần như không thể vì vị trí của các hồng y thay đổi qua các cuộc bỏ phiếu liên tiếp. Một số người có thể cố gắng tác động tới cơ hội của ứng viên được họ yêu thích hoặc ít được ưa chuộng. Nhiều mật nghị trong quá khứ đã tạo ra những bất ngờ và trong mật nghị gần đây nhất vào năm 2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng dù không nằm trong số các ứng viên tiềm năng nhất. 

James Somerville-Meikle, cựu Phó Giám đốc Liên minh Công giáo Vương quốc Anh cho biết: "Điều thú vị lớn nhất của mật nghị bầu chọn Giáo hoàng là không ai biết điều gì sẽ thực sự diễn ra". Theo ông Meikle, Hồng y đoàn luôn phải đối mặt với hai câu hỏi là "Chúng ta có thử điều gì mới không?" và "Chúng ta có theo đuổi sự liên tục không?". 

Các hồng y có thể bầu một Giáo hoàng người châu Phi hay châu Á, hoặc họ có thể ủng hộ một trong những gương mặt kỳ cựu. Dưới đây là một số hồng y được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Giáo hoàng Francis.

Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle

Vị hồng y 67 tuổi người Philippines này là một nhà lãnh đạo khiêm nhường nhưng có sức lôi cuốn công chúng. Ông thường được gọi là "Đức cha Francis của châu Á" do có mối quan hệ chặt chẽ với các ưu tiên mục vụ của Giáo hội trong thời kỳ lãnh đạo của Giáo hoàng Francis. 

Hồng y Tagle được đánh giá là người ôn hòa theo định nghĩa của Công giáo. Ông nổi tiếng tận tụy với các vấn đề xã hội và đồng cảm với những người di cư. Ông phản đối quyền phá thai, gọi đó là một hình thức giết người. Lập trường này của Hồng y Tagle phù hợp với lập trường rộng hơn của Giáo hội, rằng sự sống bắt đầu từ khi thụ thai. Ông cũng phản đối việc an tử. 

Năm 2015, khi là Tổng giám mục Manila, Hồng y Tagle đã kêu gọi Giáo hội đánh giá lại lập trường nghiêm khắc đối với người đồng tính, người ly hôn và mẹ đơn thân. Ông lập luận, sự khắc nghiệt trong quá khứ đã gây ra tác hại lâu dài và khiến mọi người cảm thấy bị gắn mác. Ông cho rằng, mỗi cá nhân đều xứng đáng được cảm thông và tôn trọng. 

Trong nhiều năm, ông giữ vai trò lãnh đạo nhánh từ thiện của Giáo hội. Năm 2019, ông được Giáo hoàng Francis chọn làm lãnh đạo bộ phận truyền giáo của Tòa thánh Vatican. 

Hồng y Tagle được coi là ứng viên cho chức Giáo hoàng từ năm 2013, thời điểm Hồng y Jorge Mario Bergoglio của Argentina được bầu làm nhà lãnh đạo thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã. 

Giáo hội có ảnh hưởng rất lớn ở Philippines, nơi có khoảng 80% dân số theo Công giáo. Quốc gia này hiện có tới 5 hồng y là thành viên của Hồng y đoàn, điều có thể tạo nên một nhóm vận động hành lang đáng kể nếu tất cả đều ủng hộ Hồng y Tagle. Nếu được bầu, ông Tagle sẽ là Giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực Đông Nam Á và Philippines. 

Hồng y Pietro Parolin

Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi, người Italia nắm giữ vị trí Ngoại trưởng của Tòa thánh Vatican kể từ năm 2013. Ông là một trong những cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng Francis và có hiểu biết sâu sắc về giáo hội toàn cầu. 

Một số người cho rằng Hồng y Parolin nhiều khả năng sẽ ưu tiên ngoại giao và các quan điểm toàn cầu hơn là sự trong sáng của giáo điều Công giáo. Những người chỉ trích ông coi đó là một yếu điểm trong khi những người ủng hộ ông lại coi đó là điểm mạnh. 

Hồng y Parolin chỉ trích việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên khắp thế giới. Ông gọi cuộc bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng giới mang tính bước ngoặt ở Cộng hòa Ireland năm 2015 là một thất bại của nhân loại. 

Các công ty đặt cược có thể ủng hộ ông, song Hồng y Parolin biết rõ một câu ngạn ngữ cổ của Italia, vốn nhấn mạnh sự không chắc chắn của quá trình bầu chọn Giáo hoàng. Đó là: "Người bước vào mật nghị với tư cách Giáo hoàng sẽ rời đi với tư cách là hồng y". 

Trong số 266 Giáo hoàng trong lịch sử, có 213 người Italia. Tuy nhiên, trong 40 năm qua, chưa có lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã nào là người Italia. 

Các ứng viên nổi bật khác

Hiện có nhiều dự đoán rằng Giáo hoàng tiếp theo sẽ là một hồng y tới từ châu Phi, nơi Giáo hội Công giáo đang tiếp nhận thêm hàng triệu tín đồ mới. Hồng y Ambongo, 65 tuổi tới từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và từng giữ chức Tổng giám mục Kinshasa cũng như Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, 76 tuổi, người Ghana được coi là ứng viên nổi bật của châu lục cho vị trí Giáo hoàng. 

Giống như Hồng y Tagle, Hồng y Turkson đã được coi là ứng viên Giáo hoàng tiềm năng từ cách đây hơn một thập niên. Khi được hỏi liệu một hồng y người châu Phi có cơ hội trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã nhờ vào sự phát triển của Công giáo trên lục địa này hay không, Hồng y Turkson đáp, vị trí Giáo hoàng không nên được bầu chọn dựa trên số liệu thống kê. 

Ngoài các ứng viên nổi bật trên, Hồng y Tarcisius Isao Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo đồng thời là Tổng thư ký của Liên đoàn các hội đồng giám mục châu Á; Hồng y Cristobal Lopez Romeo - Tổng Giám mục Rabat, Morroco; Hồng y Jean Claude Hollercih - Tổng giám mục Luxembourg; Hồng y Peter Erdo - Tổng giám mục Budapest; Hồng y Matteo Zuppi - Tổng Giám mục Bologna cũng nằm trong danh sách được dự đoán nhiều khả năng sẽ trở thành Giáo hoàng.

Theo Hoài Linh (VietNamNet)

Nổi bật