Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, Texas mới đây đã sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble để quan sát 16 Psyche - một trong những vật thể có khối lượng lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Hỏa tinh và Mộc tinh, cách Trái Đất 370 triệu km.
Nghiên cứu này được đăng tải trên Tạp chí thiên văn học The Planetary Science Journal và được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ vào ngày 27/10 đã mang đến bức tranh toàn cảnh nhất về tiểu hành tinh được coi là có một không hai trong hệ Mặt trời.
Có cấu tạo hoàn toàn từ sắt và nickel
Được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Ý Annibale de Gasparis vào ngày 17 tháng 3 năm 1852, Psyche được đặt tên theo vợ của thần tình yêu Eros trong thần thoại Hy Lạp. Con số 16 có nghĩa rằng đây là tiểu hành tinh thứ 16 từng được phát hiện. Psyche mất khoảng 5 năm để hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt trời, nhưng chỉ mất hơn 4 tiếng một chút để tự quay quanh trục của mình.
Với đường kính khoảng 226km, 16 Psyche có cấu tạo cực kỳ khác biệt so với các tiểu hành tinh trong cùng vành đai. Cụ thể, thay vì có cấu tạo từ băng và đá giống như đại đa số các tiểu hành tinh, 16 Psyche có cấu tạo hoàn toàn bằng kim loại, tương tự như phần lõi của Trái Đất.
"Chúng tôi đã từng phát hiện nhiều thiên thạch giàu kim loại, nhưng 16 Psyche chính là một trong những tiểu hành tinh độc nhất vô nhị nhất chúng tôi từng biết, khi nó hoàn toàn được tạo nên từ sắt và nickel", Tiến sĩ Tracy Becker, chuyên gia thiên văn học tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, Texas, cho biết.
Được biết, để có thể quan sát được cả hai mặt của 16 Psyche, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tây Nam đã sử dụng Kính viễn vọng Không gian Hubble theo dõi tiểu hành tinh này tại hai điểm cụ thể trong vòng quay của nó. Đồng thời, kính Hubble cũng quan sát tiểu hành tinh trong bước sóng ánh sáng cực tím để thu được càng nhiều chi tiết bề mặt của nó càng tốt.
"Chúng tôi đã lần đầu tiên xác định được một dải oxit sắt có khả năng hấp thụ tia cực tím tồn tại trên một tiểu hành tinh. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình oxy hóa đang xảy ra trên tiểu hành tinh này, có thể là kết quả của việc gió Mặt trời va đập vào bề mặt của nó", chuyên gia Becker cho biết.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, lượng kim loại bao gồm vàng, bạch kim, sắt, nickel... tồn tại bên trong lõi của 16 Psyche rất lớn, với giá trị ước tính lên tới 10000 triệu tỷ USD. Đây là một con số cực kỳ khổng lồ, gấp rất nhiều lần giá trị nền kinh tế toàn cầu, vốn rơi vào khoảng 142 nghìn tỷ USD vào năm 2019.
Tàn dư còn sót lại của một tiền hành tinh đã bị phá hủy
Với cấu tạo kỳ lạ như vậy, các nhà khoa học cho rằng tiểu hành tinh này có thể là phần lõi còn sót lại của một tiền hành tinh đã bị phá hủy cách đây hàng tỷ năm trong giai đoạn sơ khai của hệ Mặt trời.
Do một tác động khủng khiếp nào đó mà nó đã nhận trong giai đoạn 'sơ sinh', tiền hành tinh này đã bị phá hủy nặng nề, với lớp vỏ ngoài gần như bị xé toạc, vương vãi khắp hệ Mặt trời. Các miệng hố va chạm lớn nhất trên bề mặt của 16 Psyche có thể coi là bằng chứng cho thấy quá khứ 'dữ dội' của tiểu hành tinh này.
"Khi tiền hành tinh 16 Psyche đang hình thành, nó đã va chạm với một thiên thể khác trong hệ Mặt Trời, khiến lớp vỏ bên ngoài của tiền hành tinh này gần như vỡ vụn ra từng mảnh nhỏ", nhà nghiên cứu Tracy Becker cho biết.
Do các tiểu hành tinh giàu kim loại tương đối hiếm gặp trong Hệ mặt trời, các nhà khoa học tin rằng việc khám phá 16 Psyche có thể mang đến cơ hội tìm hiểu kĩ càng hơn về phần lõi bên trong của một hành tinh, trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa có cách nào tiếp cận được phần lõi của Trái đất.
Đây chính xác là những gì NASA đang dự định làm. Theo đó, các nhà khoa học tại NASA đang đẩy nhanh tiến độ phát triển tàu vũ trụ phục vụ sứ mệnh khám phá phá tiểu hành tinh 16 Psyche.
Sau một thời gian chuẩn bị, hiện tại việc phát triển tàu vũ trụ mang tên Psyche đã hoàn thành giai đoạn 'thiết kế quan trọng' vào tháng 7/2020. Trong giai đoạn từ nay đến tháng 1/2021, NASA sẽ tập trung vào việc tạo ra thiết kế cuối cùng của tàu, trước khi bắt tay vào việc chế tạo, lắp ráp thử nghiệm các hệ thống vào tháng 2-2021.
Nếu việc chế tạo hoàn thành theo đúng tiến độ, con tàu này sẽ cất cánh vào tháng 8-2022 tại Cape Canaveral (bang Florida, Mỹ) trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX. Sau đó, con tàu này sẽ sử dụng trợ lực từ lực hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 5-2023 và bay tới Psyche 16 vào đầu năm 2026.
Sau khi đến đích, tàu Psyche sẽ dành 21 tháng để nghiên cứu đầy đủ 16 Psyche với sự trợ giúp của máy siêu âm, máy quang phổ tia gamma, máy quang phổ neutron và từ kế. Tất nhiên, nghiên cứu của NASA chỉ phục vụ mục đích khoa học chứ không phải kiếm tiền từ tiểu hành tinh này.
Theo Anh Việt (Pháp Luật & Bạn Đọc)