Một số quy định phục vụ cho chính sách Zero-Covid đã được chính phủ Trung Quốc bãi bỏ bắt đầu từ ngày 7/12 sau khi nhiều cuộc biểu tình phản đối nổ ra. Tuy nhiên, điều này dẫn đến những lo ngại rằng sẽ có khoảng 1,6 triệu người tử vong sau khi một làn sóng dịch mới bùng phát trở lại, tở Mirror đưa tin.
Một nhân viên làm việc tại nhà tang lễ với đầy xác chết đang chờ hỏa táng cho biết các nhân viên tại đây phải làm việc liên tục để có thể thiêu 20 đến 30 xác người một ngày.
"Đã có rất nhiều người chết. Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, mà vẫn không thể thiêu hết các thi thể", Zhao Yongsheng nhân viên nhà tang lễ cho biết.
Trước khi các chính sách được dỡ bỏ, Zhao cho biết anh chỉ phải phục vụ từ 3 đến 4 ca trong một ngày.
Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc khác với cách phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia khác, nơi sự kết hợp giữa tỷ lệ lây nhiễm cao và việc triển khai tiêm vaccine hàng loạt được cho là đã giúp tạo ra mức độ bảo vệ cao hơn là chống lại virus.
Những người lớn tuổi mắc Covid-19 đang phải rời khỏi các khu bệnh ở tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 70 km về phía tây nam, nơi tập trung số đông các ca bệnh. Báo cáo cho biết, các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã buộc phải từ chối xe cứu thương, trong khi các bệnh viện chật kín bệnh nhân trên giường bệnh và ngoài hành lang.
Yao Ruyan, người có mẹ chồng đang nhiễm virus và bắt đầu có các dấu hiệu viêm phổi, nói cô rất "tức giận" trước tình huống này. Yao đã phải lái xe chở mẹ chồng đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm nơi chăm sóc.
"Tôi không có nhiều hi vọng tìm được chỗ chăm sóc mẹ. Chúng tôi đã phải rong ruổi trong một thời gian dài và tôi vô cùng sợ hãi khi mẹ tôi đã có dấu hiệu khó thở", Yao cho biết.
Trong khi đó, một nhân viên y tế trong khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) đã mắng họ hàng một bệnh nhân khi đưa người nhà từ xe cứu thương vào.
"Không có bình oxy và không có điện ở hành lang này. Đến oxy còn không có thì anh cứu bệnh nhân bằng cách nào?", vị bác sĩ quát.
Người nhà bệnh nhân sau đó được cho là đã chở anh ta đi nơi khác sau khi ra xe cứu thương.
Bất chấp những báo cáo về tình trạng quá tải, Giám đốc hành chính của bệnh viện Cao Bi Điếm, ông Wang Ping cho biết không có tình trạng quá tải ở các bệnh viện như tin đồn. Vị này cũng cho biết chỉ có khoảng 100 trong số 600 giường bệnh có người sử dụng.
Các chuyên gia đang suy đoán về ý nghĩa của việc nới lỏng các lệnh hạn chế đối với Trung Quốc, trong khi một mô hình dữ liệu dự đoán đến khoảng tháng 4/2023, sẽ có khoảng 300.000 người chết vì Covid-19 ở quốc gia này.
Các nhà miễn dịch học ước tính có tới 60% dân số Trung Quốc có thể bị nhiễm bệnh từ nay đến tháng 3 và có thêm những lo ngại về điều gì sẽ xảy ra khi virus lan tới các khu vực kém phát triển hơn của đất nước.
Nhà dịch tễ học tại Đại học Southampton, Michael Head nói với DW: "Chúng tôi hiện có các công cụ để coi Covid-19 như một mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi có vaccine, thuốc kháng virus và một lượng lớn kiến thức về cách điều trị cho mọi người và quản lý các đợt bùng phát trong cộng đồng".
Tuy nhiên, đây lại không phải là trường hợp của Trung Quốc, nơi người dân được cho là chưa tiêm phòng đầy đủ và các chuyên gia đã cảnh báo về làn sóng dịch mới đang rình rập bùng phát.
Một đoạn video đầu tháng này được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc dường như cho thấy các bệnh nhân đang phải nằm bên cạnh xác chết tại Bệnh viện Chu Quang Tiềm, Bắc Kinh.
Chú thích của video có đoạn: "Vào ngày 21/12 tại Bệnh viện Chu Quang Tiềm, một số thi thể chưa được chuyển đi nên được đặt cùng phòng với một số bệnh nhân trong phòng cấp cứu!".
Mặc dù vậy, số liệu thống kê chính thức từ các quan chức Trung Quốc cho biết chỉ có bảy trường hợp tử vong kể từ khi các hạn chế được dỡ bỏ. Các ca nhiễm Covid-19 trong tháng này thực tế đã giảm 47% , xuống chỉ còn 4.666 ca, trong khi đó Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc ước tính chỉ có khoảng 18% dân số nước này bị nhiễm virus.
QT (Nguoiduatin.vn)