Các lãnh đạo thế giới nói gì về "Hồ sơ Panama"

05/04/2016 15:47:49

Trong khi những tiết lộ về gian lận tài chính, rửa tiền từ "Hồ sơ Panama" đang gây sửng sốt, nhiều lãnh đạo đã khẳng định sẽ điều tra hoặc bác bỏ có liên quan.

Trong khi những tiết lộ về gian lận tài chính, rửa tiền từ "Hồ sơ Panama" đang gây sửng sốt, nhiều lãnh đạo đã khẳng định sẽ điều tra hoặc bác bỏ có liên quan.
 

Các lãnh đạo thế giới có tên trong tài liệu. Ảnh: Telegraph


Hồ sơ Panama là những tài liệu cáo buộc các khách hàng của công ty Panama, Mossack Fonseca, rửa tiền, qua mặt các lệnh trừng phạt và né việc nộp thuế. Trong một trường hợp được BBC chỉ ra, công ty trên đã đề xuất một triệu phú Mỹ làm giả hồ sơ sở hữu, để che giấu số tiền của mình khỏi cơ quan chức năng. Đây là hành vi vi phạm trực tiếp các quy định quốc tế về chống rửa tiền và trốn thuế.

Có 12 lãnh đạo quốc tế đương nhiệm và đã thôi nhiệm có tên trong tài liệu. Hơn 60 họ hàng, người thân của các lãnh đạo cùng các chính trị gia cũng bị nêu tên.

Iceland

Là một trong những người bị nêu đích danh trong Hồ sơ Panama, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đang chịu áp lực lớn phải từ chức, tờ Telegraph đưa tin. Tài liệu được công bố cuối tuần trước, cho thấy ông Gunnlaugsson và vợ là Anna Sigurlaug Pálsdóttir đã mua một công ty thành lập tại British Virgin Islands từ hãng luật Mossack Fonseca.
 

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và phu nhân. Ảnh: BBC

Công ty trên được vợ chồng ông Gunnlaugsson mua năm 2007 để đầu tư số tiền thu được từ việc bán cổ phần của bà Pálsdóttir trong một công ty của gia đình. Gunnlaugsson bán 50% cổ phần của mình cho bà Pálsdóttir với giá một USD cuối năm 2009, không lâu sau khi được bầu làm nghị sĩ. Ông Gunnlaugsson chưa từng công khai việc có lợi ích tại công ty trên.

Thông báo của văn phòng thủ tướng Iceland khẳng định việc ông Gunnlaugsson sở hữu công ty trên là một sai sót đơn giản do hai vợ chồng ông có chung tài khoản ngân hàng. "Cả hai người đều biết rằng chỉ có vợ của thủ tướng sở hữu số tài sản đó", thông cáo viết.

Theo kênh DW của Đức, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thụy Điển SVT, ông Gunnlaugsson được hỏi liệu đã bao giờ ông có giao dịch phi pháp với một công ty ở nước ngoài hay chưa. Đáp lại, thủ tướng nói: "Như tôi đã nói, tài sản của tôi luôn được khai báo".

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về mối liên quan của ông với một công ty có tên Wintris, ông Gunnlaugsson nói rằng không biết đến nó và ngừng phỏng vấn. Theo Telegraph, Wintris là công ty nắm giữ lượng trái phiếu trị giá hàng triệu USD tại ba ngân hàng đã phá sản của Iceland.

Phát biểu trên truyền hình Iceland ngày 4/4, ông Gunnlaugsson nói sẽ không từ chức. "Tôi chưa cân nhắc chuyện từ chức do vấn đề này và tôi cũng sẽ không từ chức chỉ vì vấn đề này".

Khoảng 10.000 người Iceland đã biểu tình trước tòa nhà quốc hội tại thủ đô Malmo trong đêm qua.
 

Người Iceland biểu tình rầm rộ sau tiết lộ của Hồ sơ Panama. Ảnh: Reuters


Pakistan

Cũng đang chịu áp lực do các thành viên trong gia đình bị nêu tên trong tài liệu, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đang bị ba đảng đối lập yêu cầu từ chức. Theo Telegraph, tài liệu bị rò rỉ cho thấy các con của ông Sharif sở hữu bất động sản tại London thông qua các công ty ở nước ngoài.

Dù vậy, con trai của ông Sharif là Hussain khẳng định với một tờ báo tại nước này rằng gia đình họ không làm gì phi pháp. "Những căn hộ đó là của chúng tôi và các công ty nước ngoài đó cũng thuộc về chúng tôi", Hussain nói. "Không có gì sai trái cả, và tôi chưa bao giờ che giấu điều đó, và cũng không cần phải làm vậy".

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Imran Khan thì gọi những tiết lộ của Hồ sơ Panama là "có thật".

Anh

Không bị nêu đích danh trong Hồ sơ Panama, tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đang phải chịu áp lực. Theo Guardian, tài liệu nói rằng cha của ông là Ian Cameron, người đã qua đời năm 2010 và từng là giám đốc quỹ đầu tư Blairmore Holdings Inc, đã dùng thủ thuật để né thuế suốt 30 năm qua. Blairmore bị cáo buộc thuê nhiều công dân Bahamas, bao gồm cả mục sư, để đứng tên trong các hồ sơ.

Telegraph dẫn một nguồn tin từ văn phòng thủ tướng Anh khẳng định, ông Cameron không hề có cổ phần trong quỹ đầu tư của cha mình.

Nga
 
Ông Sergei Roldugin (trái) được tin là bạn thân lâu năm của Tổng thống Putin. Ảnh: Tass
 
Hồ sơ Panama còn cáo buộc ông Sergei Roldugin, một nghệ sĩ chơi đàn cello và được cho là bạn thân của Tổng thống Nga Putin, sở hữu ba công ty ở nước ngoài gồm Sonnette Overseas, International Media Overseas và Raytar Limited. Ba công ty này, được thành lập bởi Bank of Russia - một ngân hàng tư nhân ở St Petersburg mà ông Roldugin nắm giữ 3,2% cổ phần - đã mua thành công 12,5% cổ phần tại công ty quảng cáo lớn nhất của Nga là Video International.

Từ thông tin này, Telegraph cho rằng có vẻ ông Putin đang quản lý lượng tiền khổng lồ thông qua các công ty vỏ bọc nêu trên. Dù vậy, người phát ngôn điện Kremlin Peskov đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc này.

"'Hội chứng ghét Putin' ở nước ngoài đã lên tới độ, nếu nói điều gì tốt về nước Nga hoặc hành động nào của nước Nga, hay bất kỳ thành quả nào người Nga đạt được, đều trở thành cấm kỵ. Thay vào đó, họ phải nói những điều xấu, rất nhiều chuyện xấu, và khi không có gì để nói, họ phải tạo ra nó. Với chúng tôi, điều này là rõ ràng", ông Peskov tuyên bố.

Argentina

Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng đang phải bảo vệ tính hợp pháp của một công ty ở nước ngoài bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. Theo Telegraph, ông Macri được nêu tên với chức danh thành viên hội đồng quản trị và phó chủ tịch một công ty có tên Fleg Trading Ltd. tại Bahamas, trong thời gian còn là thị trưởng của Buenos Aires. Công ty này do Mossack Fonseca quản lý.

Người phát ngôn của ông Macri khẳng định cá nhân tổng thống không sở hữu cổ phần tại công ty trên, vốn là một phần hoạt động kinh doanh của gia đình ông. Phát biểu trên truyền hình địa phương tại thành phố Cordoba, Argentina, ông Macri tuyên bố: "Không có gì lạ lùng về hoạt động đó".

Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng có vẻ đã sử dụng công ty Mossack Fonseca, theo Hồ sơ Panama. Ông Poroshenko được liệt kê là cổ đông duy nhất tại một công ty có tên Prime Asset Partners Limited, thành lập tại British Virgin Islands, tháng 8/2014.

Người phát ngôn của ông Poroshenko khẳng định việc trên không hề có liên quan đến những diễn biến chính trị hay quân sự, và rằng việc thành lập công ty trên là bước đi chuẩn bị để bán công ty Roshen mà ông Poroshenko sở hữu và điều hành trước khi đắc cử.

Điều tra

Trong khi đó, chính phủ Pháp và Đức đã có những tuyên bố hoan nghênh thông tin được báo giới tiết lộ về hoạt động gian lận thuế. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 4/4 cam kết sẽ điều tra những thông tin trong Hồ sơ Panama.

"Toàn bộ thông tin được tiết lộ sẽ dẫn đến các cuộc điều tra bởi cơ quan thuế cùng các tiến trình tố tụng", ông Hollande nói trước khi cảm ơn "những người tố giác" khi đưa Hồ sơ Panama ra ánh sáng.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert, cho rằng: "Với chúng tôi, có một điều rõ ràng là áp lực từ cộng đồng quốc tế lên các quốc gia như Panama phải tiếp tục ở mức cao, để họ có những bước đi xa hơn trong việc tạo ra sự minh bạch".

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela khẳng định nước ông sẽ hợp tác với "bất kỳ chính phủ nào hay cuộc điều tra nào" diễn ra sau những tiết lộ trên. Dù vậy ông cũng tuyên bố sẽ "bảo vệ hình ảnh của đất nước chúng tôi".
 
>> Vụ Tài liệu Panama: "Chiêu độc" hút các VIP từ Nga, Trung Quốc
>> Chính trường thế giới chấn động với vụ rò rỉ dữ liệu trốn thuế của giới quyền lực
>> Thêm nhiều quốc gia điều tra bê bối "Tài liệu Panama"
>> Vụ rò rỉ Tài liệu Panama lớn chưa từng có
>> "Tài liệu Panama" và tiết lộ động trời về các chính trị gia

Theo Hoàng Nguyên (VnExpress.net)

Nổi bật