Nhiều người cho rằng, thủ cung sa chính là phương pháp xác định trinh tiết của phụ nữ cổ đại. Những vết thủ cung sa trên cơ thể nữ nhân sẽ biến mất ngay khi người đó không còn trong trắng nữa. Nhưng rốt cuộc thủ cung sa có thật sự thần kỳ như trong các ghi chép?
Để tạo ra thủ cung sa, theo các ghi chép cổ xưa, người ta sẽ nuôi một con thằn lằn trong một bình sứ và cho ăn bằng chu sa trong nhiều năm. Chính vì ăn chu sa trong thời gian dài nên toàn thân thằn lằn sẽ có màu đỏ son. Khi con thằn lằn đó có trọng lượng khoảng 3 cân thì sẽ đem đi rang chính, tán nhuyễn chúng để lấy một chất bột màu đỏ.
Khi sử dụng thủ cung sa, cần pha với nước và bôi một ít lên cánh tay, chỉ cần người con gái đó chưa thất thân thì vết thủ cung sa sẽ không biến mất.
Như chúng ta đã biết, dưới ảnh hưởng của quan niệm đạo đức phong kiến, người xưa rất trọng nam khinh nữ, đồng thời có nhiều quy tắc ràng buộc người phụ nữ hơn, nhất là trinh tiết. Do đó, thủ cung sa đã được sử dụng rộng rãi hơn. Đặc biệt là trong hậu cung của Hoàng đế, trinh tiết càng quan trọng hơn gấp bội.
Rất nhiều nữ nhân cố gắng bằng mọi cách để giữ vết thủ cung sa trên tay không biến mất. Nhưng, loại bột được làm từ thằn lằn và chu sa này có thật sự hiệu quả hay không?
Một lời giải thích khá thuyết phục là làm thủ cung sa bằng thằn lằn trong thời kỳ sinh sản của chúng. Lúc đó chúng tiết ra nhiều nội tiết tố nữ (estrogen) và vì những nội tiết tố này không dễ dàng mất đi nên thủ cung sa cũng không dễ dàng phai mờ. Khi nội tiết tố nữ gặp nội tiết tố nam (androgen) trong quá trình ân ái sẽ khiến chúng trung hòa và biến mất. Lời giải thích này dựa theo quan điểm sinh học hiện đại và hiện đang được nhiều người ủng hộ nhất.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người nghĩ thủ cung sa chỉ là một dạng nhắc nhở tinh thần với phụ nữ. Vết thủ cung sa màu đỏ son trên tay rất dễ thấy đại diện cho sự trong trắng của phụ nữ, là một lời nhắc nhở phụ nữ phải cẩn trọng giữ mình.
Theo Hy Li (Pháp luật và bạn đọc)